Giới chức y tế Hà Lan đã phát hiện 13 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron sau khi xét nghiệm hành khách trong 2 chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam. Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết: “Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”. Hiện biến chủng Omicron đã xuất hiện ở Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Israel, Ý, Hà Lan, Pháp, Canada và Nam Phi.

Nhận định về biến chủng Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn chưa thể khẳng định chính xác liệu Omicron có khả năng lây lan cao hơn hay gây biến chứng nặng hơn các biến chủng khác hay không.

WHO cho biết sẽ phải mất vài tuần để xác định được độc lực cũng như mức độ lây lan của Omicron. Ảnh: As.com.

Theo WHO, “Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi rất có thể là do tổng số người bị nhiễm Covid-19 do tất cả các biến chủng gây ra chứ không phải do một loại cụ thể”. WHO cũng cho biết sẽ phải mất vài tuần để xác định được độc lực cũng như mức độ lây lan của Omicron.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn vào thứ Sáu tuần trước, WHO đã gắn nhãn Omicron là “biến chủng đáng lo ngại” và lo ngại nó có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó.

Tuy nhiên, thông tin từ Nam Phi cho thấy một cách nhìn nhận khác. Một bác sĩ Nam Phi giấu tên, một trong những người đầu tiên nghi ngờ sự tồn tại chủng coronavirus này, cho biết các triệu chứng của Omicron cho đến nay là rất nhẹ và bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà.

Vắc xin hiện nay vẫn có khả năng bảo vệ nguy cơ tăng nặng ở bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, khẳng định không giống như chủng Delta, cho đến nay bệnh nhân nhiễm Omicron không có các triệu chứng như mất khứu giác, mất vị giác và không có sụt giảm nghiêm trọng về nồng độ bão hòa oxy trong máu. 

Trong khi WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động của biến chủng này đối với các biện pháp phòng chống hiện nay, bao gồm cả vắc xin, thì Anh kêu gọi G7 triệu tập một cuộc họp khẩn của các bộ trưởng y tế vào hôm nay để thảo luận về các diễn biến liên quan.

Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thông tin cập nhật về Omicron và phản ứng của Mỹ trước biến chủng này trong ngày hôm nay. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng, sẽ mất khoảng 2 tuần để có thông tin chính xác hơn về khả năng lây truyền và các đặc tính khác của chủng Omicron. Ông khẳng định vắc xin hiện nay “vẫn có khả năng bảo vệ nguy cơ tăng nặng ở bệnh nhân Covid-19”.

Nhiều chính phủ áp lệnh hạn chế đi lại đối với người tới từ Nam Phi. Ảnh: CNN. 

Việc phát hiện ra biến chủng Omicron ở Nam Phi khiến nhiều chính phủ áp đặt các quy định hạn chế đi lại và gây rối loạn các thị trường tài chính do các nhà đầu tư bán tháo vì lo ngại biến chủng này có thể kháng vắc xin và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mới mở cửa trở lại sau đại dịch.

Nam Phi đã gọi các biện pháp này là không công bằng và có khả năng phương hại đến nền kinh tế của mình. Ngày 28-11, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết chính phủ đang xem xét áp dụng lệnh bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 đối với người dân ở một số khu vực và địa điểm nhất định.

HỮU DƯƠNG