“Tất cả các quyết định đều được suy nghĩ một cách thấu đáo, các mệnh lệnh rất ngắn gọn nhưng lại vô cùng rõ ràng. Đồng chí ấy luôn đòi hỏi cao ở bản thân và cấp dưới của mình, luôn tỏ ra nghiêm khắc và làm việc có nguyên tắc. Trong số các binh sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh mặt trận, đồng chí ấy rất có uy tín và được tôn trọng”, Tướng Boris Bychevsky nói về Nguyên soái Liên Xô Leonid Govorov.
 |
Nguyên soái Liên Xô Leonid Govorov. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Là kiến trúc sư những chiến thắng của Liên Xô ở khu vực Tây Bắc đất nước trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Leonid Govorov đã trở thành huyền thoại của Hồng quân. Điều ngạc nhiên là, vị chỉ huy kiệt xuất này từng tham gia Bạch quân trong cuộc Nội chiến Nga để chiến đấu chống lại chính quyền Xô viết.
Năm 1918, khi tại Nga xảy ra cuộc Nội chiến, Leonid Govorov sống tại thị trấn nhỏ Elabuga gần thành phố Kazan. Ông theo học tại trường pháo binh và phục vụ quân đội trong thời gian ngắn, rồi sau đó xuất ngũ với quân hàm hạ sĩ quan. Trong cuộc xung đột này, ông đã đứng về phía quân Bạch vệ đánh chiếm Elabuga vào tháng 9 năm đó. Về sau chính Leonid Govorov khẳng định rằng, ông đã bị điều động gia nhập Bạch quân.
Leonid Govorov có gần 1 năm chiến đấu cùng Sư đoàn súng trường Kama số 8 thuộc Tập đoàn quân phía Tây, nơi ông làm chỉ huy một khẩu đội pháo binh. Theo mệnh lệnh ngày 13-7-1919, ông được Đô đốc Alexander Kolchak, Tổng tư lệnh tối cao quân Bạch vệ, thăng cấp thiếu úy.
Tuy nhiên, từ tháng 11 đến 12-1919, khi quân Bạch vệ ở phía Đông nước Nga bị thất bại nặng nề và bắt đầu tháo chạy về vùng Ural, thì Govorov quyết định chuyển sang gia nhập Hồng quân.
Leonid Govorov là một trong hàng nghìn sĩ quan quân Bạch vệ gia nhập Hồng quân. Những người Bolshevik đánh giá cao kỹ năng chiến đấu của những “chuyên gia quân sự” này, tuy nhiên họ vẫn tạm giữ những sĩ quan từng là đối phương này trong tình trạng đặc biệt.
 |
Nguyên soái Leonid Govorov chỉ huy duyệt binh quân đồn trú ở Moscow trên Quảng trường Đỏ năm 1947. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Bằng nỗ lực giành lấy lòng tin, Govorov đã chiến đấu quên mình và anh dũng chống lại quân đội của Nam tước Wrangel ở phía nam Ukraine và tại Crimea. Ông đã hai lần bị thương và thậm chí còn được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ.
Giải thưởng cao đã giúp làm tăng đáng kể mức độ tin tưởng của ban lãnh đạo Liên Xô đối với cựu sĩ quan của quân Bạch vệ, nhờ đó Govorov tiếp tục gây dựng sự nghiệp của mình trong Hồng quân.
“Stalin đánh giá cao tính chuyên nghiệp của ông, cũng như việc ông và bà nội là những người rất khiêm tốn. Ông nội không thích tụ tập và họp mặt, ông không tham gia chính trị. Ông say sưa với các vấn đề liên quan công việc của mình và tập trung hoàn toàn cho công việc…”, anh Alexey Govorov, cháu trai của Nguyên soái Leonid Govorov, cho biết.
Trong cuộc xung đột giữa Liên Xô và Phần Lan năm 1939-1940, Leonid Govorov, với tư cách là tham mưu trưởng đội pháo binh thuộc Tập đoàn quân số 7 Liên Xô, đã lên kế hoạch phá vỡ Phòng tuyến Mannerheim và tổ chức đột phá khu vực kiên cố. Với chiến công này, ông được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ. Mặc dù vậy, mãi đến năm 1942, ông mới được gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô.
Trong trận bảo vệ Moscow năm 1941, Tập đoàn quân số 5 dưới quyền chỉ huy của ông đã tiến đánh các trận địa phòng ngự khốc liệt tại khu vực Mozhaisk ở phía Tây thủ đô, sau đó tham gia cuộc phản công quy mô lớn của Liên Xô vào đầu tháng 12 năm đó.
 |
Thượng tướng Leonid Govorov, Tư lệnh Mặt trận Leningrad, kiểm tra các khẩu pháo thu giữ được từ quân phát xít Đức. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Nguyên soái Georgy Zhukov, khi đó là Tư lệnh Mặt trận phía Tây, cho biết: “Trong khu vực phòng thủ của chúng tôi ở ngoại ô Moscow, nhiệm vụ chính trong cuộc chiến chống lại nhiều xe tăng địch trước hết là thuộc về pháo binh, vậy nên kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của Govorov có giá trị đặc biệt”.
Tháng 4-1942, Leonid Govorov được điều động đến Leningrad khi đó đang bị quân Đức Quốc xã bao vây. Và mọi hoạt động của ông trong những năm sau đó đều gắn liền với các trận chiến ở khu vực Tây Bắc của Liên Xô. Với tư cách chỉ huy Mặt trận Leningrad, ông không chỉ biến thành phố đang tiều tụy này trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm, mà còn xây dựng được đội quân có khả năng đột phá vòng vây của kẻ địch với nguồn lực khan hiếm. Điều này xảy ra vào ngày 18-1-1943, trong chiến dịch Iskra phối hợp với Mặt trận Volkhov.
Mùa hè năm 1944, Leonid Govorov trở lại khu vực Karelia, nơi mà ông đã quen thuộc từ cuộc chiến mùa Đông với Phần Lan. Tại đây, ông phải đối mặt với hệ thống công sự phòng thủ mới của Phần Lan, bao gồm “Phòng tuyến Mannerheim” đã được khôi phục một phần.
“Govorov quyết định tiến hành toàn bộ chiến dịch với tốc độ tấn công 12 km/ngày. Điều này có nghĩa là, vành đai bê tông cốt thép ở dưới sâu phải bị phá vỡ và Vyborg phải bị chiếm giữ sau 10-12 ngày từ khi bắt đầu cuộc tấn công. Trong chiến dịch Liên Xô-Phần Lan năm 1939-1940, đã mất 100 ngày đêm để đi qua quãng đường này ”, Tướng Boris Bychevsky nhớ lại.
Sau trận không kích lớn và chuẩn bị lực lượng pháo binh kéo dài 10 giờ, quân đội Liên Xô mở cuộc tấn công. Ngày 20-6-1940, mười ngày sau khi bắt đầu cuộc tấn công, Vyborg đã được kiểm soát. Trước đó 2 ngày, Tướng Govorov đã được phong quân hàm Nguyên soái Liên Xô.
Vùng Baltic trở thành chiến trường cuối cùng của Nguyên soái Leonid Govorov. Vào cuối cuộc chiến, ở phía Tây Latvia, Cụm tập đoàn quân Courland của Đức Quốc xã vẫn đang cố thủ trong vòng vây của quân đội Liên Xô. Đến ngày 9-5-1945, Leonid Govorov chấp nhận sự đầu hàng của chỉ huy Cụm tập đoàn quân phát xít Đức, Thượng tướng Karl Hilpert. Cuối cùng, ông đã hoàn thành việc giải phóng lãnh thổ Liên Xô khỏi tay quân địch.
QUỐC KHÁNH (theo RBTH)