Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất giữa hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên luôn đi đôi với từ “lịch sử”. Hội nghị diễn ra từ ngày 13 đến 15-6-2000 ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Theo tờ The Guardian, ngày 13-6-2000, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã đích thân ra tận sân bay đón Tổng thống Kim Dae-jung. Hai nhà lãnh đạo đã cùng đi chung chiếc limousine vào thủ đô Bình Nhưỡng, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau chiến tranh Triều Tiên. Trong suốt 40 phút trên chiếc limousine, hai nhà lãnh đạo đã nhiều lần nắm tay thể hiện sự thân tình và trao đổi với nhau nhiều vấn đề.
 |
Tổng thống Kim Dae-jung (bên trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-il tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất năm 2000. Ảnh: AP. |
Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Dae-jung đã nhấn mạnh rằng, hội nghị mang ý nghĩa vô cùng trọng đại và được tổ chức để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phát triển quan hệ hai miền và đưa việc thực hiện thống nhất hòa bình lên tầm cao mới. Theo trang web kbs.co.kr, trong Tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ký ngày 15-6-2000, hai bên cam kết sẽ hợp tác, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau nhằm vượt qua khác biệt hệ tư tưởng, hệ thống chính trị; giảm căng thẳng quân sự, đối thoại quốc phòng cấp bộ; nhất trí thiết lập hòa bình lâu dài; hợp tác về kinh tế, xã hội, thể thao, văn hóa, công nghệ, giáo dục…
Do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nên phải 7 năm sau, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai mới diễn ra từ ngày 2 đến 4-10-2007, người chủ trì hội nghị là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-huyn. Trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Roh Moo-huyn, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ và hội đàm lịch sử.
Tại hội nghị, hai bên tái xác nhận tinh thần của Tuyên bố chung ngày 15-6-2000 và thẳng thắn trao đổi ý kiến về các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc, hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, thịnh vượng chung của dân tộc và thống nhất đất nước. Với quyết tâm cùng chung sức để mở ra kỷ nguyên thịnh vượng chung và thống nhất, hai bên nhất trí đưa ra Tuyên bố chung dựa trên Tuyên bố chung ngày15-6-2000 để mở rộng và phát triển quan hệ liên Triều.
Tuyên bố chung “Vì sự phát triển của quan hệ liên Triều và thịnh vượng trong hòa bình”, gọi tắt là Tuyên bố chung liên Triều 4-10, được ký kết giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il vào ngày 4-10-2007 bao gồm 8 điều khoản chính và 2 điều khoản phụ. Trong Tuyên bố chung này, hai miền Nam-Bắc nhất trí hợp tác chặt chẽ để chấm dứt thù địch, giải tỏa căng thẳng và bảo đảm hòa bình trên bán đảo. “Hai bên không phản đối lẫn nhau, giảm căng thẳng quân sự, giải quyết những vấn đề tranh chấp qua đối thoại và đàm phán. Hai bên phản đối chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và tuân thủ nghiêm chỉnh hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau… Hai miền Triều Tiên cùng nhận thức được sự cần thiết phải chấm dứt cơ chế đình chiến và thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn, xúc tiến một hội đàm thượng đỉnh 3 hoặc 4 bên liên quan về tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên”, Tuyên bố chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hai miền Nam-Bắc đồng ý thúc đẩy, mở rộng các dự án hợp tác kinh tế liên Triều trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và tương sinh, vì thịnh vượng chung giữa hai miền Triều Tiên, phát triển nền kinh tế dân tộc đồng đều. Hai bên đồng ý khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến khai thác tài nguyên và dành ưu đãi cho nhau để phù hợp với tính đặc thù của các dự án hợp tác trong nội bộ dân tộc.
Sau hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên có được cải thiện nhưng sau đó lại bị lu mờ bởi các căng thẳng tiếp theo. Phải đến gần 11 năm sau, đầu năm 2018, tín hiệu hòa bình mới trở lại trên Bán đảo Triều Tiên. Dư luận trong nước và thế giới đang chờ đợi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến diễn ra vào trưa 27-4. Với chủ đề “Hòa bình, sự khởi đầu mới”, hội nghị được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hòa bình, tạo điều kiện để hai nước thực hiện điều khoản trong các tuyên bố chung trước đây.
BÌNH NGUYÊN