Theo Reuters, đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol kể từ khi ông lên nắm quyền và là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ chuyến thăm năm 2011 của Tổng thống khi đó là ông Lee Myung-bak. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm thành phố Osaka (Nhật Bản) năm 2019, tuy nhiên, chuyến thăm này là để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, không phải là chuyến thăm song phương. 

leftcenterrightdel
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp tại Phnom Penh, Campuchia tháng 11-2022. Ảnh: koreapost.com 

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol được lên kế hoạch sau khi Seoul chính thức đề xuất phương án bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến thông qua một quỹ công, do các doanh nghiệp nước này quyên góp, thay vì trực tiếp từ các công ty Nhật Bản liên quan. Trước đó, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản bất ngờ xấu đi sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 phán quyết 2 công ty Nhật Bản là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến, mặc dù Tokyo khẳng định toàn bộ vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 bình thường hóa quan hệ song phương. 

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, việc nối lại các cuộc tiếp xúc vốn đình trệ lâu nay giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là bước đi đầu tiên để hai nước hướng tới tương lai không bị ràng buộc bởi các vấn đề lịch sử. Thông qua chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc hy vọng sự hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, xã hội và văn hóa sẽ được mở rộng để hai nước vượt qua lịch sử đáng buồn trong quá khứ và hướng về tương lai, đồng thời hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ tiếp tục được tiếp thêm sức sống. 

Một dấu hiệu nữa cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của Tokyo và Seoul là hai bên đang cân nhắc nối lại các cuộc đối thoại an ninh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm xây dựng lòng tin giữa các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước. Cuộc đối thoại đầu tiên đã diễn ra tại Seoul vào tháng 6-1998. Tuy nhiên, cơ chế đối thoại này đã bị đình trệ kể từ năm 2018. 

Về phía Nhật Bản, trong một tuyên bố, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định Tokyo mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Seoul và hy vọng quan hệ song phương phát triển trên cơ sở hữu nghị và hợp tác chung. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15-3, ông Hirokazu nói: “Trong tình hình chiến lược hiện nay, bao gồm cả việc bảo đảm an ninh, chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác với Hàn Quốc để hiện thực hóa mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ông Hirokazu cũng bày tỏ hy vọng quan hệ song phương Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến xa hơn trong thời gian tới. Hiện Thủ tướng Kishida Fumio đang cân nhắc tới thăm Hàn Quốc sau khi Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở thành phố Hiroshima vào tháng 5 tới, qua đó thúc đẩy các nỗ lực đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng. Một số nguồn tin còn cho biết, Thủ tướng Kishida Fumio cũng đang cân nhắc mời Tổng thống Yoon Suk-yeol tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.

Đánh giá về chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, các quan chức Mỹ “rất hoan nghênh” cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này. Theo ông Price, cuộc gặp này là minh chứng rõ nét về những nỗ lực của các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Ông Price cũng nhấn mạnh rằng 3 nước hiện có mối quan hệ ba bên đặc biệt quan trọng, giúp ứng phó hiệu quả hơn các thách thức chính trong khu vực và trên thế giới.

BÌNH NGUYÊN