Tờ Bangkok Post dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết, nhiều học sinh nước này mang điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc các thiết bị số tương tự đến trường và thường xuyên "dán mắt" vào chúng. Các nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy những trẻ em sử dụng các thiết bị số từ 6,5 giờ đồng hồ trở lên mỗi ngày thường có chỉ số thông minh (IQ) thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng dành ít thời gian hơn cho các thiết bị này. Thêm vào đó, các em cũng có nguy cơ bị giảm khả năng tập trung và khả năng tiếp thu do lạm dụng các thiết bị số.
Trong bối cảnh đó, Văn phòng Hội đồng Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục Thái Lan đề xuất biện pháp để học sinh “cai” các thiết bị số. Theo đó, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bên ngoài lớp học như văn nghệ, thể dục, thể thao chẳng hạn. Nhằm nâng cao khả năng tập trung của học sinh, các lớp luyện đọc và kể chuyện sẽ được tổ chức thường xuyên hơn ở trường. Phụ huynh học sinh cũng sẽ được khuyến nghị dành thêm thời gian cho con trẻ.
|
|
Hạn chế học sinh dùng thiết bị số tại trường. Ảnh minh họa: internet |
Việc hạn chế, thậm chí cấm sử dụng các thiết bị số tại trường học không phải là chuyện mới trên thế giới. Tờ The Guardian dẫn số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ước tính có khoảng 25% quốc gia trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động tại trường.
Những năm gần đây, các trường học tại Singapore đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại di động. Theo tờ The Straits Times, các trường học tại đảo quốc sư tử có những nội quy và cách quản lý riêng đối với việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học của học sinh, phù hợp với từng cấp học. Ví dụ, tại Trường trung học Queensway, bắt đầu từ năm 2019, tất cả học sinh phải cất điện thoại di động trong tủ khóa vào đầu giờ học và không được sử dụng cho đến khi kết thúc tiết học cuối cùng. Giáo viên là người chịu trách nhiệm bảo đảm mọi học sinh đều cất điện thoại di động trong tủ khóa được đặt ở trước lớp học cho đến khi tan trường. Hồi tháng 7 vừa qua, một nhóm học sinh tại Trường trung học Swiss Cottage đã xếp chồng điện thoại di động của mình ở giữa bàn ăn trong giờ ra chơi nhằm khuyến khích trò chuyện trực tiếp với nhau, tạo trào lưu mạnh mẽ tại cơ sở giáo dục này.
Tại Na Uy, theo Tân Hoa xã, hơn 96% trường tiểu học hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường trong khi hạn chế sử dụng điện thoại di động và đồng hồ thông minh được đưa vào bộ quy tắc ứng xử tại 64% trường trung học. CNN cho biết, kể từ năm 2018, học sinh trong độ tuổi 3-15 bị cấm sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kết nối internet tại các trường học của Pháp. Hà Lan đã cấm học sinh cấp trung học sử dụng điện thoại di động tại trường kể từ đầu tháng 1 năm nay và bắt đầu áp dụng quy định này với các trường tiểu học từ tháng 9 tới đây, theo tờ Politico.
Tờ Bangkok Post khẳng định, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc lạm dụng các thiết bị số làm giảm khả năng tập trung trên lớp và làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ em về lâu dài. Việc quá phụ thuộc vào các thiết bị số cũng làm dấy lên mối quan ngại về sức khỏe tinh thần của trẻ em. Hồi năm 2023, UNESCO đã kêu gọi cấm học sinh sử dụng điện thoại di động tại các trường học trên toàn cầu.
Trang mạng Al Jazeera dẫn kết quả nghiên cứu công bố hồi tháng 5-2024 của Policy Exchange, một viện nghiên cứu của Anh xác định “có mối liên hệ rõ ràng” giữa việc thực hiện hiệu quả quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường học với những tiến bộ trong thành tích học tập của các em. Nhà nghiên cứu Zach Rausch tại Đại học New York (Mỹ) khẳng định với Al Jazeera rằng trong số những trường học tại Mỹ mà ông được tiếp xúc đến nay, “chưa thấy trường nào hối tiếc về quyết định hạn chế hoặc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động”. “Nếu trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị số khác ở trường, các em sẽ bị thu hút và lạm dụng. Điều đó có thể khiến các em không còn thời gian cho bất cứ điều gì khác, đặc biệt là hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên cần biết trân trọng cuộc sống thực tế hơn, dành thời gian cho mơ ước, vui chơi, dành thời gian cho bạn bè và cuộc sống bên ngoài lớp học”, The Straits Times dẫn lời Giáo sư Michael Chia tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.