Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Portsmouth (Anh) và Phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo, Bộ Năng lượng Mỹ đã phát hiện ra một loại enzyme có thể giúp phân hủy nhựa polyethylene terephthalate (PET) vốn được sử dụng rộng rãi để sản xuất chai nhựa. Nghiên cứu đã được công bố trong kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia của Mỹ.

Các chai nhựa trôi nổi trên đại dương.

Đột phá trong nghiên cứu này xuất phát từ một loại vi khuẩn tự nhiên có tên khoa học là Ideonella sakaiensis có đặc tính "ăn" PET, được phát hiện trong một trung tâm tái chế chất thải tại Nhật Bản cách đây vài năm. Giáo sư John McGeehan thuộc Trường Đại học Portsmouth và là người đồng chủ trì công trình này cho biết, các nhà khoa học đã kiểm tra cấu trúc của enzyme tự nhiên với mục đích hiểu rõ sự phát triển của enzyme này và tìm cách cải thiện tính năng “ăn” nhựa của nó. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã vô tình tạo ra một phiên bản enzyme mới với khả năng phân hủy nhựa PET thậm chí còn tốt hơn loại tự nhiên. “Chúng tôi đã tạo ra phiên bản mới của enzyme này tốt hơn so với phiên bản tự nhiên của nó. Mặc dù sự cải thiện vẫn còn khiêm tốn, nhưng khám phá không lường trước được này là điều đáng mừng bởi vì như vậy có nghĩa là enzyme này còn có thể được tối ưu hóa trong tương lai”, Giáo sư John McGeehan cho biết.

Tính từ đầu thập niên 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó hầu hết đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên. Theo Tân Hoa xã, nghiên cứu nói trên có thể sẽ trở thành một giải pháp tối ưu trong tương lai giúp tái chế hàng tỷ tấn nhựa PET đã và đang tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên, qua đó góp phần giải quyết một trong những vấn đề về môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay./.

LAN ANH