Business Insider ngày 3-4 dẫn nguồn từ công ty tình báo tội phạm mạng Hudson Rock của Israel cho biết, dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook từ 106 quốc gia trên thế giới đã được đăng tải và cung cấp miễn phí trên một website dành cho tin tặc. Các thông tin cá nhân bị lộ lọt được Hudson Rock đánh giá là rất chi tiết, bao gồm: Số điện thoại, tài khoản Facebook, tên đầy đủ, vị trí, ngày sinh, tiểu sử và địa chỉ email.

Facebook tiếp tục vướng vào bê bối lộ thông tin người dùng (ảnh minh họa). Ảnh: Getty Images

Theo ông Alon Gal, đồng sáng lập Hudson Rock và là người đầu tiên phát hiện ra sự việc này, dữ liệu bị rò rỉ đã được lưu hành trực tuyến từ tháng 1-2021 sau khi ông đọc được quảng cáo “rao bán” một phần mềm chuyên thực hiện các tác vụ tự động trên internet (còn được gọi là bot), có thể cung cấp số điện thoại cho hàng trăm triệu người dùng Facebook. Lúc đó, ông Gal đã cảnh báo hơn 50 triệu người dùng Facebook ở Mỹ và Pháp nằm trong số những tài khoản bị trộm thông tin cá nhân và người nắm giữ dữ liệu đang cố tìm cách bán chúng.

Gọi đây là “sự bất cẩn đáng trách” của Facebook, vị chuyên gia an ninh mạng này nhận định trên trang Twitter cá nhân rằng, dù đã có “tuổi đời” vài năm trở lại đây nhưng lượng thông tin quá lớn như vậy vẫn có thể có giá trị đối với tội phạm mạng. Thậm chí, nhiều số điện thoại bị rò rỉ vẫn thuộc về chủ sở hữu các tài khoản Facebook. “Kẻ xấu sẽ lợi dụng những thông tin bị lộ lọt đó trong các vụ lừa đảo, tấn công mạng hay tiếp thị”, ông Gal nhấn mạnh.

Về phần mình, người phát ngôn của Facebook-bà Liz Bourgeois thừa nhận việc làm rò rỉ dữ liệu, song khẳng định đây là dữ liệu cũ đã được báo cáo trước đó vào năm 2019. “Chúng tôi đã phát hiện và khắc phục sự cố này vào tháng 8-2019”, bà Bourgeois giải thích.

Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội lớn nhất thế giới với gần hai tỷ thành viên “sa lầy” vào bê bối rò rỉ hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng vào mục đích riêng. Có thể kể tới vụ Facebook liên quan đến công ty tư vấn Cambridge Analytica (Anh) đã sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook từ năm 2015, được cho là để nhắm vào các quảng cáo chính trị. Tai tiếng này đã tạo ra sự giận dữ rất lớn trong cộng đồng công nghệ thế giới nói chung và đặc biệt là chính người dùng Facebook, đồng thời khiến nhà sáng lập Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Vào tháng 4-2019, công ty an ninh mạng UpGuard (Mỹ) cũng phát hiện một kho thông tin người dùng Facebook được lưu trữ công khai trên các máy chủ điện toán đám mây của Amazon. Không lâu sau, tên, tài khoản và số điện thoại của hơn 267 triệu người dùng Facebook lại bị phát hiện được chia sẻ trực tuyến tại một diễn đàn tin tặc.

Trong thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu cũng đi đôi với vô số nguy hiểm tiềm tàng mà người dùng có nguy cơ gặp phải, nhất là trên không gian mạng, trong đó có Facebook. Nhờ thu hút người dùng đông đảo, Facebook đã xây dựng nên một nền tảng giàu lợi nhuận. Tuy nhiên, mạng xã hội này lại phải vật lộn với các vấn đề bảo mật dữ liệu trong nhiều năm và không có những động thái cụ thể, toàn diện để ngăn ngừa tình trạng đó.  

Phát hiện mới nhất của Hudson Rock đã minh chứng về một lượng dữ liệu thông tin cá nhân khổng lồ mà Facebook và những mạng xã hội khác có thể thu thập được cũng như hạn chế của các nền tảng này về mức độ bảo đảm an toàn cho người dùng. Điều này cho thấy, thông tin cá nhân của người dùng Facebook vẫn chưa được bảo vệ chính đáng.

VĂN HIẾU