Theo AFP, Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang chuẩn bị một dự thảo về gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga, bao gồm lĩnh vực dầu mỏ, các ngân hàng Nga và Belarus, cũng như thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp liên quan. Trong đó, lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất. Đồng thời, EC sẽ đề xuất áp dụng lệnh cấm trong vòng từ 6 đến 8 tháng, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ. “Những biện pháp trừng phạt mới là hoàn toàn cần thiết khi Nga tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine”, AFP dẫn lời Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell.

leftcenterrightdel
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Ảnh: Reuters 

Cũng theo hãng tin Pháp, một số nhà ngoại giao cho biết lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga có thể thực hiện được sau cú đảo ngược chính sách của Đức, khi trước đó chính quyền Berlin từng phản đối vì cho rằng điều này quá rắc rối và có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Phát biểu trên truyền hình ngày 1-5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận từng bước của EU đối với dầu mỏ từ Nga; trong khi Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck, cũng là đồng minh của bà Baerbock trong Đảng Xanh, bày tỏ hy vọng nước này có thể độc lập với dầu mỏ nhập khẩu của Nga vào cuối mùa hè tới.

Dự kiến đại diện thường trực các quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 4-5 để thảo luận về gói trừng phạt mới và việc phê duyệt dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần. Để được thông qua, lệnh cấm dầu mỏ của Nga cần sự nhất trí của tất cả các nước EU. Trước đó, các quan chức ngoại giao EU cho rằng một số nước EU có khả năng chấm dứt sử dụng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Hungary được cho là sẽ phản đối mạnh mẽ do nước này phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng tỏ ra lo ngại rằng lệnh cấm đó nếu thực thi sẽ làm tăng giá cả, khi giá tiêu dùng đang “phi mã” do chịu tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Ngay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng cảnh báo EU cần thận trọng bởi trừng phạt toàn diện vào dầu thô và khí đốt của Nga có thể gây ra những hệ quả kinh tế không mong đợi đối với Mỹ và đồng minh phương Tây. Trong khi đó, lệnh cấm lại không ảnh hưởng nhiều đến tài chính của Nga vì dù giảm xuất khẩu thì nước này vẫn hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao.

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng cáo buộc hơn 300 tỷ USD, phần lớn trong số đó là tiền thanh toán cho việc giao nhận dầu mỏ và khí đốt, đã bị “đánh cắp” khi các nước phương Tây tịch thu số tiền dùng để trả cho khí đốt của Nga. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, các hợp đồng được ký trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine quy định các khoản thanh toán bằng USD và euro. Các khoản thanh toán này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và được giữ lại trong các ngân hàng phương Tây. Do đó, Điện Kremlin quyết định yêu cầu thanh toán việc mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble để ngăn chặn xảy ra tình trạng trên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ban hành cơ chế “ruble hóa” này.

Theo Reuters, trong ngày 2-5, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU nhóm họp khẩn tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về việc trả tiền khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Bên cạnh đó, tại cuộc họp này, các nước cũng trao đổi một số biện pháp nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh khối này đặt mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm nay.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Lavrov vừa khẳng định quyết tâm của nước này trong việc theo đuổi các mục tiêu tại Ukraine. Cụ thể, quân đội Nga sẽ không điều chỉnh nhiều các hoạt động của họ trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trong bất kỳ ngày nào, kể cả Ngày Chiến thắng sẽ được tổ chức kỷ niệm tại Nga vào ngày 9-5 tới đây.

VĂN HIẾU