Tờ The Guardian ngày 9-12 đưa tin, thỏa thuận đạt được sau 37 giờ đàm phán. AFP cho biết, thỏa thuận chính trị về đạo luật AI của EU gồm cách tiếp cận hai cấp, trong đó yêu cầu minh bạch đối với các mô hình AI nói chung và yêu cầu khắt khe hơn đối với các mô hình AI “mạnh hơn”. Theo thỏa thuận, việc nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực bị cấm với “một số lượng hạn chế các trường hợp ngoại lệ”. EU sẽ tiến hành giám sát việc thực thi đạo luật AI thông qua Văn phòng AI EU, một cơ quan mới trực thuộc Ủy ban châu Âu (EC). Văn phòng AI EU sẽ có quyền phạt tới 7% doanh thu của một doanh nghiệp vi phạm. Theo AFP, mặc dù đạo luật AI vẫn cần được EP và các nước thành viên EU phê chuẩn chính thức, song việc đạt được thỏa thuận chính trị nói trên đồng nghĩa rào cản lớn cuối cùng đã được gỡ bỏ. Trong một thông cáo báo chí, EP khẳng định đạo luật AI nhằm bảo đảm rằng các quyền cơ bản, dân chủ, pháp quyền được bảo vệ trước những công cụ AI “gây rủi ro cao”, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa châu Âu trở thành nơi dẫn đầu về lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu trong một phiên thảo luận về đạo luật trí tuệ nhân tạo, tháng 6-2023. Ảnh: AP 

Reuters nhấn mạnh, với thỏa thuận chính trị nói trên, EU tiến gần tới việc trở thành “cường quốc thế giới đầu tiên” thực thi các quy định toàn diện nhằm quản lý AI. Tờ The Guardian dẫn lời ông Thierry Breton, quan chức phụ trách thị trường nội địa của EU gọi đây là thỏa thuận lịch sử. Quan chức này cho rằng với việc đạt được thỏa thuận, EU trở thành lục địa đầu tiên lập ra những quy định rõ ràng về việc sử dụng AI. “Châu Âu đã định vị mình là người tiên phong, hiểu được tầm quan trọng của vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu”, ông Thierry Breton phát biểu với báo giới.

Theo AFP, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã hoan nghênh thỏa thuận, đánh giá đạo luật AI của EU là khuôn khổ pháp lý duy nhất để phát triển AI đáng tin cậy “vì sự an toàn cũng như các quyền lợi cơ bản của người dân và doanh nghiệp”. Tờ The Guardian cho biết, hiện tại vẫn còn ít thông tin chi tiết liên quan tới đạo luật AI được EU công bố. Theo trang mạng The Verge, đạo luật này-vốn được EU kỳ vọng có thể đóng vai trò là “tiêu chuẩn” để các quốc gia/khu vực khác trên thế giới xem xét thông qua những quy định tương tự-dự kiến sớm nhất cũng phải tới năm 2025 mới bắt đầu có hiệu lực.

EC lần đầu đề xuất đạo luật AI vào năm 2021. EU hy vọng sớm thiết lập và triển khai đạo luật AI trong bối cảnh nền tảng công nghệ này đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự ra đời của công cụ AI như ChatGPT đã khiến thế giới phải bất ngờ. Mặc dù công nghệ AI có tiềm năng trong việc hỗ trợ con người, song nhiều người quan ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng. Không chỉ có EU quan ngại về sự phát triển của AI, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp về tiêu chuẩn an toàn đối với AI vào tháng 10-2023. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đưa ra các quy định tạm thời về quản lý AI, có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.

Theo AFP, không phải tất cả đều vui mừng với thỏa thuận chính trị giữa EP và các nước thành viên EU. Ông Daniel Friedlaender, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội công nghiệp truyền thông và máy tính (CCIA-đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ và truyền thông) khu vực châu Âu cáo buộc, với thỏa thuận này, EU “dường như xem trọng tốc độ hơn chất lượng, có khả năng gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế châu lục”.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.