Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành (Good Friday Agreement) được ký năm 1998 nhằm chấm dứt xung đột đẫm máu kéo dài nhiều thập kỷ giữa người theo đạo Tin lành và người theo đạo Cơ đốc ở Bắc Ireland. Thỏa thuận này bao gồm một số điều khoản liên quan tới quan hệ giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cũng như giữa Cộng hòa Ireland và Vương quốc Anh. Trong thỏa thuận trên, điều khoản rất quan trọng ảnh hưởng tới tất cả người dân là công dân Bắc Ireland hay Cộng hòa Ireland muốn “ra đi” hoặc “ở lại” Vương quốc Anh thì chính phủ của họ phải thực hiện điều này như nghĩa vụ ràng buộc. Cộng hòa Ireland hiện nay không thuộc Vương quốc Anh, còn Bắc Ireland là một phần của Liên hiệp Anh. Tên chính thức của Liên hiệp Anh nay vẫn là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland là trở ngại lớn khi Anh đàm phán Brexit với EU. Ảnh: AFP 

Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh “đi” hay “ở lại” EU đã đe dọa sự tồn tại của Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành. Sau khi Anh rời EU, đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sẽ không còn là đường biên giới của EU nữa mà sẽ trở thành biên giới giữa một nước trong và ngoài EU. Chính vì lẽ đó, trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU cũng như trong nội bộ Anh, ngoài các vấn đề như quyền công dân, thanh toán tài chính, thì đường “biên giới cứng” hay đường “biên giới mềm” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland luôn là vấn đề gây tranh cãi. Phía EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland khi muốn duy trì tình trạng như hiện nay sau Brexit, tức là không có đường “biên giới cứng” giữa hai bên và các quy định của EU về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland. Tuy nhiên, thủ lĩnh Đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (PUD), ông Arlene Foster, tuyên bố “sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào có thể chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh về mặt kinh tế và chính trị”.

Theo giới phân tích, nếu quay lại đường "biên giới cứng", việc kiểm soát nhận dạng và thuế quan giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland được xem là khó có thể tránh khỏi. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động chưa lường trước về kinh tế và chính trị đối với Cộng hòa Ireland và Liên hiệp Anh. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ căng thẳng trở lại ở Bắc Ireland, nơi từng xảy ra các cuộc xung đột bạo lực trong thập niên 1990 khi những người theo đạo Thiên chúa muốn Bắc Ireland sáp nhập vào Cộng hòa Ireland trong khi những người theo đạo Tin lành muốn Bắc Ireland ở lại nước Anh.

Vì lẽ đó, đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland là một vấn đề đặc biệt đòi hỏi phải có các giải pháp mềm dẻo và linh hoạt. Sau nhiều cuộc đàm phán, ngày 8-12, EU và Anh đã thống nhất tránh việc tái lập một đường “biên giới cứng” trên đảo Ireland. Anh cam kết sẽ không thiết lập “biên giới cứng” nhằm bảo vệ Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành và bảo đảm phát triển kinh tế của đảo Ireland. Những người sống ở Bắc Ireland là công dân Cộng hòa Ireland tiếp tục được hưởng các quyền như công dân EU. Nước Anh cũng đưa ra các bảo đảm cần thiết cho phép tiếp tục duy trì các khu vực đi lại chung.   

Với những bước tiến này, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018. Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, những cuộc đàm phán trong thời gian tới sẽ cam go hơn nhiều so với giai đoạn một bởi Chính phủ Anh đang phải đối mặt với sức ép từ dư luận và các đảng phái đối lập vì đã nhượng bộ quá nhiều./.

BÌNH NGUYÊN