Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo phải thận trọng, không chủ quan để tránh nguy cơ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng một vài biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm ứng phó đại dịch.
Thời gian qua, các biện pháp hạn chế được đánh giá đã phát huy hiệu quả trong việc làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19. Song, các biện pháp này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sinh kế của nhiều người. Vì thế, một khi dịch bệnh được kiểm soát, hiển nhiên việc nối lại những hoạt động xã hội trong giới hạn nhất định trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ các nước.
Đành là thế, song không phải vô cớ WHO lại cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 cần phải được thực hiện một cách từ từ. Trong lịch sử, đại dịch cúm năm 1918 từng cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người chính là một ví dụ điển hình về làn sóng tái bùng phát dịch bệnh nối tiếp nhau với đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Các đại dịch cúm khác vào năm 1957 và 1968 cũng đã ghi nhận nhiều đợt tái bùng phát.“Đại dịch giống như những đám cháy. Khi có nhiều nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát không kiểm soát. Khi nhiên liệu dần cạn kiệt, chúng sẽ cháy âm ỉ”, Phó giáo sư Justin Lessler của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) viết trên tờ The Washington Post.
Điều đáng nói là hiện chúng ta vẫn chưa biết “nhiên liệu”còn lại của virus SARS-CoV-2 là bao nhiêu. Để tránh “dục tốc bất đạt”, học cách thích nghi với đại dịch “cần phải trở thành một tình trạng bình thường mới của chúng ta”, ít nhất là cho đến khi có vaccine hoặc thuốc đặc trị như khuyến cáo của WHO.
HOÀNG VŨ