Với sức sống mãnh liệt và nghị lực phi thường, cô bé được mệnh danh là “đứa trẻ kỳ diệu” đã không ngừng cố gắng vượt lên số phận, trở thành một vận động viên xuất sắc với ước mơ đại diện đội tuyển bơi lội Mỹ tham dự đấu trường Paralympics.
Tuổi thơ bất hạnh
Haven Shepherd tên khai sinh tại Việt Nam là Đỗ Thị Thúy Phượng, chào đời ngày 10-3-2003 tại huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm Phượng hơn 1 tuổi, bi kịch khủng khiếp ập đến khi một vụ nổ khiến cha mẹ Phượng thiệt mạng, còn em bị thương nặng, phải cắt bỏ hai chân từ dưới đầu gối trở xuống. Gia cảnh nghèo khó, ông bà của Phượng không đủ khả năng chạy chữa và lo cho đứa cháu đáng thương. Hơn một tháng nằm trong viện, ông bà Phượng đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của các gia đình bệnh nhân khác để trả viện phí cho cháu.
Từ nước Mỹ xa xôi, cặp vợ chồng Shelly-Rob Shepherd biết được câu chuyện thông qua quỹ từ thiện Touch a Life và họ quyết định nhận nuôi đứa bé tội nghiệp dù đã có đến 6 người con. Shelly nhớ như in lần đầu tiên gặp cô bé. Đó là một ngày tháng 10-2004. Shelly cùng chồng đáp chuyến bay đến Đà Nẵng, sau đó lái xe tải rồi chuyển qua xe máy mới đến được ngôi nhà nhỏ trên núi nơi Phượng sống cùng ông bà mình. “Khi tôi giơ tay định bế con bé, con bé cũng vươn tay với tới tôi. Trái tim tôi mách bảo mình phải làm gì đó để giúp đỡ con bé. Con bé chẳng bao giờ chịu ngủ trừ khi được Rob ôm, hóa ra, nó ngầm lựa chọn chúng tôi làm cha mẹ thứ hai ngay từ phút ban đầu", bà Shelly nói. Phượng sau đó được đưa sang Mỹ sống cùng gia đình Shelly và Rob ở vùng Carthage, bang Missouri với cái tên mới là Haven Shepherd.
 |
Haven Shepherd (bên trái) trong một buổi tập luyện. Ảnh: BBC
|
Vượt qua rào cản
Kể từ khi nhận nuôi Haven, Shelly và Rob đã luôn dành tình yêu thương và chăm sóc cho cô bé với mong muốn Haven sẽ có một tuổi thơ tràn ngập hạnh phúc mà không hề mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể. Năm Haven lên 5 tuổi, lần đầu tiên cô bé hỏi mẹ về đôi chân của mình. Shelly đã nhẹ nhàng kể cho con nghe câu chuyện hồi nhỏ mà không hề giấu giếm. Bà cho rằng điều này giúp Haven không cảm thấy tự ti về bất cứ điều gì.
“Gia đình luôn ủng hộ và dạy cháu không mặc cảm khi phải dùng chân giả. Cháu nhớ có lần ngồi xem mấy cô gái chơi bóng rổ và đang nghĩ rằng mình không thể chơi như họ do không có chân thì chị cháu tới bảo cháu phải ráng thử xem sao. Chị ấy bảo cháu đừng có ngồi đó mà than thân trách phận. Lúc đó, cháu cho rằng chị ấy có phần khắc nghiệt, nhưng lời khuyên ấy thật sự có ích nên cháu ghi nhớ mãi. Từ đó, cháu tham gia các cuộc thi chạy, chơi những môn thể thao khác và lúc cháu bảo với mọi người là mình muốn bơi ở trình độ cao, tất cả đều ngạc nhiên. Điều mà cháu yêu nhất ở môn bơi là được gỡ bỏ đôi chân giả và cảm thấy thoải mái trong nước. Cháu cảm thấy tự do khi không có đôi chân giả. Ở trong nước, cháu có thế giới riêng của mình”, Haven chia sẻ.
Ước mơ
Nhờ sự động viên khích lệ của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, Haven đã vượt qua mọi khó khăn, hay thậm chí là rào cản về ngoại hình khuyết tật để trở thành một vận động viên bơi lội thực sự. Em được nhận vào đội tuyển bơi lội khi mới 12 tuổi. Tình yêu với "đường đua xanh" khiến em quyết dồn hết tâm sức vào luyện tập để có thể trở thành đại diện nước Mỹ tham dự giải Paralympics 2020 hoặc 2024. Hiện tại, mỗi ngày cô bé đều đến Trung tâm đào tạo Olympic tại Colorado để luyện tập. Đối với Haven, được chọn là vận động viên đại diện nước Mỹ là niềm mơ ước của cô bé.
“Chúng tôi muốn dạy con bé chơi dương cầm thay vì thể thao, nhưng giấc mơ và mục tiêu trở thành vận động viên của con bé vượt hẳn mọi đứa con khác của chúng tôi. Con bé thậm chí được vào đội bơi chuẩn bị cho Paralympic ở tuổi 12 và hy vọng được dự Paralympic 2020 hoặc 2024", bà Shelly cho biết.
Thực tế, Haven luôn rõ bản thân mình cần gì và nên làm gì. Cô bé cho rằng: “Cháu có hai sự lựa chọn. Một là trở thành một người tự ti, lúc nào cũng có cảm giác bị tổn thương hoặc cháu có thể nghĩ rằng: Ồ, bạn kia đang nhìn chằm chằm vào mình vì mình có đôi chân thật tuyệt. Và cháu đã chọn cách thứ hai”. Với những gì đã làm, Haven Shepherd đã chứng minh không có gì là không thể với một người luôn biết cố gắng. Cô bé cũng hy vọng câu chuyện cuộc đời mình sẽ truyền nghị lực và thái độ sống tích cực cho những trẻ em khuyết tật khác.
NGỌC HÂN