Giấc mơ kết nối châu Âu với châu Phi thông qua một tuyến đường giao thông cố định đã có từ năm 1869. Dự án đã phát triển qua nhiều thập kỷ, với một số phương án được xem xét, từ xây dựng một cây cầu đến đường hầm đường sắt. Cuối cùng, đường hầm dưới biển được chọn là giải pháp khả thi nhất.

Năm 1980, một thỏa thuận chính thức đã được ký kết giữa Tây Ban Nha và Morocco để nghiên cứu tính khả thi của đường hầm kết nối này. Kể từ đó, dự án đã có những tiến triển vượt bậc, nhưng cũng gặp phải nhiều thách thức.

Một góc eo biển Gibraltar, nơi đường hầm dưới biển dự kiến đi qua. Ảnh: Getty Images 

Theo Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha Oscar Puente, việc xây dựng đường hầm dưới biển đặc biệt phức tạp do điều kiện địa chất của eo biển Gibraltar. Bởi lẽ, điểm hẹp nhất của eo biển Gibraltar với hai bên bờ là Morocco và Tây Ban Nha chưa đến 14km. Trong khi đó, các yếu tố địa chất và địa hình đòi hỏi phải lựa chọn tuyến đường dài hơn và sâu hơn. Điều này dẫn đến những thách thức kỹ thuật đáng kể mà các kỹ sư và nhà địa chất đang nỗ lực khắc phục.

Đường hầm dưới biển trị giá 6 tỷ bảng Anh có thể thay đổi mối quan hệ kinh tế và xã hội giữa châu Âu và châu Phi. Bằng cách kết nối trực tiếp Morocco với Tây Ban Nha, đường hầm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và vận chuyển giữa hai châu lục. Dự án cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của các khu vực xung quanh, đồng thời mang đến những cơ hội mới cho giao lưu văn hóa và du lịch.

Dự án đường hầm Phi-Âu đang phải đối mặt với sự chậm trễ nhưng triển vọng tương lai của nó vẫn rất hứa hẹn. Các chuyên gia hy vọng đường hầm có thể hoàn thành kịp thời cho Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2030, giải đấu mà Morocco và Tây Ban Nha sẽ đồng đăng cai với Bồ Đào Nha.

HIỀN MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.