QĐND - Trong bối cảnh làn sóng người di cư tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, ngày 17-5, Ma-lai-xi-a cho biết: Nước này đã tiến hành một loạt cuộc hội đàm cấp cao với các nước láng giềng nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn đang tràn vào các bờ biển Đông Nam Á.
Theo một quan chức chính phủ Ma-lai-xi-a, Ngoại trưởng nước này, Anifah Aman đã gặp người đồng cấp Băng-la Đét, sau đó sẽ gặp người đồng cấp In-đô-nê-xi-a vào ngày 18-5 và dự kiến gặp Ngoại trưởng Thái Lan trong tuần này để bàn về biện pháp đối phó với làn sóng người tị nạn đang ngày một gia tăng trong khu vực.
Thời gian gần đây, tình trạng người di cư tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn đã gia tăng mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á. Ngày 10-5, Cơ quan Cứu hộ In-đô-nê-xi-a đã cứu sống 469 người nhập cư trái phép sau khi thuyền của họ bị mắc cạn ngoài khơi tỉnh A-chê, tây bắc In-đô-nê-xi-a. Đa số những người nhập cư trái phép trên thuộc cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rô-hin-gi-a đến từ Mi-an-ma và Băng-la Đét, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ. Mới đây nhất, sáng 15-5, hơn 750 người di cư đã được cứu ở ngoài khơi In-đô-nê-xi-a, sau khi thuyền của họ bị chìm ở phía đông đảo Xu-ma-tra. Cùng ngày, Thái Lan đã phát hiện 106 người nhập cư, phần lớn là đàn ông, trên một hòn đảo thuộc tỉnh miền nam này. Theo Tỉnh trưởng tỉnh Phang Nga, ông Prayoon Rattanasenee, hiện vẫn chưa rõ liệu những người này lên đảo bằng cách nào. Các cơ quan chức năng Thái Lan đang nỗ lực xác định liệu họ có phải là nạn nhân của nạn buôn người hay không. Cơ quan chức năng cho biết, có khoảng 8000 người di cư được cho là đang lênh đênh trên biển trong các điều kiện bấp bênh.
 |
Người di cư bất hợp pháp được lực lượng cứu hộ In-đô-nê-xi-a cứu sống sau khi thuyền của họ bị chìm ở phía đông đảo Xu-ma-tra, ngày 15-5. Ảnh: EFE.
|
Theo các nhà chức trách Thái Lan, thời gian gần đây, hàng nghìn người từ Mi-an-ma và Băng-la Đét đã tìm đường di cư qua đường biển cũng như đường bộ ra nước ngoài tìm việc làm, trong đó Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển của các đường dây tội phạm đưa người di cư bất hợp pháp ra nước ngoài. “Bọn tội phạm thường trả từ 20.000USD trở lên cho một chuyến tàu chở người di cư đến Thái Lan, sau đó tìm cách thu lại chi phí này bằng cách đòi gia đình họ trả một khoản tiền chuộc lớn. Những ai không được chuộc thường bị ngược đãi kinh hoàng hoặc bị sát hại”, BBC cho hay.
Văn phòng Bài trừ tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc ước tính, việc đưa dân di cư ở châu Á ra nước ngoài tị nạn mang lại tới 2 tỷ USD hằng năm cho các nhóm tội phạm. Trong khi đó, những nạn nhân của loại tội phạm này thường đối mặt với nhiều rủi ro, bị gây tổn hại cả tinh thần và thể xác, thậm chí dẫn tới tử vong. Trước tình hình trên, Thái Lan đã đề nghị tổ chức một hội nghị cấp khu vực vào ngày 29-5 tới để tìm giải pháp mang tính toàn diện cho vấn đề người tị nạn cũng như nạn buôn người trong khu vực.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Ma-lai-xi-a Najib Razak cho rằng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có một giải pháp chung để giải quyết vấn đề người tị nạn trước khi vấn đề này trở thành thảm họa. Thủ tướng Na-gíp nêu rõ, Ma-lai-xi-a tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, theo đó, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào khác trong hiệp hội. Tuy nhiên, khi một vấn đề đã lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN khác và có thể cả các nước ngoài ASEAN, cần tìm giải pháp thông qua diễn đàn ASEAN và hợp tác với các bên khác. Ông Najib cũng cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi điện thoại cho ông sáng 16-5, bày tỏ quan ngại của Liên hợp quốc về vấn đề này. Trong cuộc điện đàm trên, ông Najib đã nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là vấn đề của ASEAN mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề toàn cầu và phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nước.
Về phần mình, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á sớm hành động để bảo vệ tính mạng người di cư. Trong một tuyên bố, ông Hút-xen nhấn mạnh trước tiên cần cứu sống họ rồi sau đó tính các giải pháp lâu dài.
BÌNH NGUYÊN