“Hỡi đồng bào, nhân dân Liên Xô! Trong giờ phút khó khăn, nguy cấp đối với vận mệnh của Tổ quốc và các dân tộc chúng ta, chúng tôi xin có đôi lời gửi đến toàn thể đồng bào! Đất mẹ vĩ đại của chúng ta đang đứng trước hiểm họa nguy vong! Chính sách cải tổ do Mikhail Gorbachev khởi xướng, với ý định nhằm bảo đảm cho sự phát triển năng động của đất nước và dân chủ hóa đời sống xã hội, vì nhiều lý do mà đã rơi vào bế tắc. Lợi dụng quyền tự do được trao, chà đạp lên những chồi non vừa mới xuất hiện của nền dân chủ, các thế lực cực đoan đã trỗi dậy nhằm xóa sổ Liên bang Xô viết, làm sụp đổ Nhà nước và chiếm lấy chính quyền bằng bất cứ giá nào”. Đây là những lời khẩn thiết mà người dân Xô viết được nghe từ Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô phát ra vào ngày 19-8-1991. Khi đó cũng là lần đầu tiên họ được biết về sự tồn tại của chính Ủy ban này.

Ba ngày đối đầu

Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tại Liên Xô được thành lập ngay vào ngày hôm trước, tức là đêm 18, rạng sáng ngày 19-8-1991. Thành phần tham gia Ủy ban là các đại diện lãnh đạo cấp cao của Liên bang Xô viết, trong đó có Phó tổng thống Liên Xô Gennady Yanaev và người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Vladimir Kryuchkov. Phó tổng thống Gennady Yanayev đã ban hành một sắc lệnh trao cho ông làm Quyền Tổng thống Liên Xô, với lý do Tổng thống Mikhail Gorbachev sức khỏe bị yếu. Bản thân Gorbachev, khi đó thực chất đang chuẩn bị một dự thảo Hiến pháp mới nhằm biến Liên Xô thành một liên minh lỏng lẻo, đã bị những người tham gia chính biến cô lập tại Crimea, nơi ông đang có kỳ nghỉ phép.

Ngày 19-8-1991, tại Moscow tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quân đội tiến vào thủ đô. Ảnh: Fedoseev/Sputnik

Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã ban hành lệnh kiểm duyệt, hạn chế  phát sóng truyền hình. Trên vô tuyến truyền hình, sau khi thay đổi kênh phát sóng, họ liên tục phát đi phát lại vở kịch ballet “Hồ thiên nga”, khiến cho nhiều người hiện nay vẫn còn liên tưởng đến những sự kiện của ngày hôm đó. Quân đội tiến vào thủ đô Moscow. Tuy nhiên, tất cả đều không giúp gì được cho những người tham gia chính biến.

Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp chỉ tồn tại vẻn vẹn trong 3 ngày. “Quân bạo loạn”, theo cách mà phe ủng hộ Boris Etlsin khi đó gọi các thành viên Ủy ban này, không thể đối phó được với trung tâm chống lại Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Trung tâm này trong những ngày hôm đó là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Nga. Các thành viên Ủy ban không dám xông vào tòa nhà này. Trong khi đó, những người thân cận của Eltsin đã đưa được Gorbachev từ Crimea trở về Moscow. Sau đó, các thành viên của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp bị bắt giữ.

Boris Eltsin, người hai tháng trước đó được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên bang Nga, đã nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất từ sự thất bại của cuộc chính biến. Uy tín của đối thủ chính trị chính của ông là Gorbachev bị hủy hoại một cách không thể đảo ngược. Những người ủng hộ Eltsin thì coi nỗ lực chính biến là mong muốn trở về quá khứ, trở về với giai đoạn trước cải tổ của Liên Xô. Tuy nhiên có phải như vậy không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tại Liên Xô vẫn nắm quyền và liệu điều đó có khả thi không?

Kéo dài “sự hấp hối của Liên Xô”

Nhà nghiên cứu chính trị Alexey Zudin tin tưởng rằng, điều này là không thể, bởi tại thời điểm nổ ra cuộc chính biến, thì quá trình liên Xô sụp đổ đã đi đến hồi kết thúc không thể đảo ngược, thành công của cuộc chính biến có chăng chỉ giúp kéo dài thêm “cơn hấp hối của Liên Xô” mà thôi. Theo ông, vận mệnh Liên Xô khi đó đã an bài, dù cho các thành viên của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp có cố gắng làm gì đi chăng nữa. Có nghĩa là, bất kỳ động thái nào của các thành viên Ủy ban này nhằm duy trì sự tồn tại của Liên bang Xô viết, cũng đều phải chịu sự thất bại.

Theo nhà phân tích này, bản chất của vấn đề Liên Xô nằm ở chỗ, ngay cả trước Mikhail Gorbachev, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã đánh mất những mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, vốn trước đó đã được hình thành trong khuôn khổ của hệ tư tưởng Cộng sản. “Những người này (các nhà lãnh đạo Liên Xô) không tin vào những mục tiêu mà họ từng tuyên bố, và đây là nguyên nhân cơ bản nhất (khiến Liên Xô sụp đổ). Đất nước đã mất đi ý nghĩa và mục đích tồn tại của mình”, Alexey Zudin nhận định.

Các thành viên của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tại Liên Xô. Từ trái sang phải: Phó thủ tướng Liên Xô Alexander Tizyakov, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Liên Xô Vasily Starodubtsev, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Boris Pugo, Quyền Tổng thống Liên Xô Gennady Yanaev và Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Liên Xô Oleg Baklanov. Ảnh: Vladimir Musaelyan/TASS

Modest Kolerov, cựu nhân viên Văn phòng Tổng thống và là lãnh đạo Hãng thông tấn REGNUM của Nga, cũng không nhìn thấy Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp có thể làm được điều gì đó bằng cách nào. Theo ông, “nhà nước tập trung đã bị phá hủy trong những năm cuối của chính sách cải tổ”, từ 1989 đến 1991. Hàng loạt nước cộng hòa tuyên bố không muốn ở lại trong thành phần Liên bang Xô viết. Kolerov cũng chỉ ra việc còn thiếu một chương trình cải cách của những người tham gia chính biến.

Cuộc chính biến có thể thành công

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tại Liên Xô vẫn có cơ hội thành công trong cuộc chính biến tháng 8-1991, nếu các thành viên của Ủy ban này chuẩn bị tốt hơn cho việc giành lại chính quyền. “Xét theo quan điểm quân sự, thì năm 1991 mọi thứ đã được thực hiện rất tồi tệ”, nhà sử học kiêm nhà nghiên cứu chính trị của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow Dmitry Andreev cho biết.

Trong khi đó, ông không cho rằng, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã không có một chương trình cho mình. Trong thông điệp của Ủy ban này gửi đến nhân dân Liên Xô đã có đề cập đến quyền tự do kinh doanh, dân chủ, phòng chống tội phạm…

Ủy viên Hội đồng Chiến lược Quốc gia Victor Militarev cũng tin tưởng rằng, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp vẫn có cơ hội để chiến thắng trong cuộc chính biến. Ông cho rằng, Ủy ban này sẽ tiến hành một chính sách mà về nguyên tắc không khác gì chính sách của Gorbachev.

“Đó là do việc Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã có màn thể hiện thất bại vào thời điểm họ mới nắm quyền được ít ngày, trong khi các bài phát biểu trước công chúng của họ thì được ví như những lời đe dọa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ thực sự muốn có một nền chuyên chế nào đó. Thực ra, họ cũng muốn điều như Gorbachev muốn (duy trì một Liên bang Xô viết được cải cách)”, chuyên gia Victor Militarev nhận định.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)