Sự nguy hiểm của virus Ebola

Ebola là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới. Giới khoa học phát hiện virus Ebola lần đầu vào năm 1976 tại CHDC Congo. Virus này được đặt theo tên của con sông nơi người ta phát hiện nó lần đầu. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm Ebola rất cao, từ 25% đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus. Với khả năng lây lan nhanh chóng, mỗi trận dịch Ebola đều có khả năng trở thành đại dịch trên toàn cầu.

Các triệu chứng ban đầu mà người bị nhiễm virus Ebola thường gặp là sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng. Sau đó, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như nôn mửa, phát ban sẽ xuất hiện và trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong và ngoài cơ thể. Loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus Ebola. Động vật linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh. Virus Ebola sẽ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh hay do tiếp xúc gián tiếp với môi trường có virus. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và việc chẩn đoán rất khó. Nhân viên y tế cũng dễ dàng nhiễm bệnh nếu họ làm việc mà không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Chiến dịch tiêm vaccine Ebola bắt đầu được triển khai rộng rãi tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: AP.

Nỗ lực triển khai “lá chắn”

Giới chức CHDC Congo hiện đang chạy đua nhằm tạo ra “lá chắn” chống lại dịch Ebola do lo ngại loại virus này sẽ lan rộng vượt tầm kiểm soát như đã từng xảy ra ở khu vực Tây Phi trong giai đoạn 2014-2016. Thời điểm đó, chủng virus này đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người ở Guinée, Sierra Leone và Liberia.

Theo hãng tin Bloomberg, trong đợt bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay, tính đến ngày 22-5, dịch bệnh Ebola đã làm 28 người dân CHDC Congo thiệt mạng. Ngoài ra, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết, tổng số ca liên quan đến Ebola hiện là 51, trong đó có 28 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Ebola, 21 trường hợp có khả năng nhiễm và 2 trường hợp nghi ngờ.

Bộ trưởng Bộ Y tế CHDC Congo Oly Ilunga cho biết, WHO đã chuyển xong 4.000 liều vaccine đến thành phố Mbandaka, miền tây bắc nước này và có nhiều kiện hàng chứa vaccine nữa đang trên đường đến. Vaccine này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã từng phát huy hiệu quả cao trong xử lý các ổ dịch ở Tây Phi vài năm trước. Theo AP, CHDC Congo đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Ebola hôm 21-5 tại thành phố Mbandaka, nơi có hơn 1 triệu người dân sinh sống, trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh đã lan rộng từ các thị trấn nông thôn vào thành phố này. Thành phố Mbandaka nằm bên bờ sông Congo, con sông được sử dụng nhiều cho hoạt động giao thông. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng virus Ebola có thể lan rộng, đe dọa thủ đô Kinshasa của CHDC Congo và các quốc gia lân cận.

Việc tiêm chủng bắt đầu một ngày sau khi Bộ Y tế CHDC Congo thông báo rằng, một y tá đã chết vì Ebola ở Bikoro, nơi phát hiện dịch bệnh đầu tiên vào hồi tháng 5. Phái đoàn y tế của CHDC Congo, bao gồm cả Bộ trưởng Y tế cùng đại diện của WHO và Liên hợp quốc đã đến Mbandaka để khởi động chiến dịch tiêm chủng. Khoảng 600 người sẽ là đối tượng tiêm chủng lần này, trong đó có cả các nhân viên y tế, những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus Ebola.

Giám đốc Chương trình mở rộng về chủng ngừa Guillaume Ngoie Mwamba là người Congo đầu tiên được tiêm vaccine chủng ngừa ở Mbandaka. "Đây là cách làm để bảo đảm cho tất cả người dân tiếp xúc với dịch bệnh được an toàn”, ông nhấn mạnh. Về phần mình, Eric Ekutshu, một bác sĩ làm việc tại khu vực Wangata ở thành phố Mbandaka chia sẻ: "Tôi rất vui vì tôi đã được tiêm vaccine Ebola. Tôi mong muốn những nhân viên y tế khác cũng tiến hành tiêm phòng giống như tôi. Mọi người cần phải tuân thủ đầy đủ theo chiến dịch tiêm chủng này để bảo vệ bản thân trước loại virus nguy hiểm gây chết người này.”

Tổng thống CHDC Congo Joseph Kabila và nội các của ông cũng đã nhất trí tăng quỹ ứng phó khẩn cấp với Ebola lên hơn 4 triệu USD. Chính quyền quốc gia Trung Phi này cũng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí tại các khu vực bị ảnh hưởng; cam kết chăm sóc đặc biệt cho tất cả người nhiễm Ebola và người thân của họ.

LÂM ANH