Phát biểu trước báo giới sau hội nghị bất thường hôm 10-8 của nhóm này tại Nigeria, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, lãnh đạo nước Chủ tịch ECOWAS nhấn mạnh: “Tất cả lựa chọn đều đang được cân nhắc, kể cả việc sử dụng vũ lực như là phương sách cuối cùng. Chúng tôi vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Niger trong hành trình hướng tới ổn định hòa bình và dân chủ ở nước này”.

Trước đó, Báo Vanguard của Nigeria cho biết, tại hội nghị, Tổng thống Bola Tinubu nhấn mạnh, lãnh đạo các quốc gia Tây Phi cần thử mọi biện pháp ngoại giao để bảo đảm lập lại trật tự hiến pháp ở Niger, coi đây là đường hướng và cách tiếp cận cơ bản của ECOWAS. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo các nước ECOWAS tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 10-8 ở thủ đô Abuja (Nigeria).Ảnh: EPA 

Nghị quyết sau hội nghị nêu rõ: “Chỉ đạo ủy ban của Tổng Tham mưu trưởng quốc phòng kích hoạt lực lượng dự phòng ECOWAS với tất cả bộ phận của nó ngay lập tức. Ra lệnh triển khai lực lượng dự phòng ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger. Nhấn mạnh cam kết tiếp tục khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình”.

Theo Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS đã đồng ý bắt đầu một hoạt động quân sự ở Niger càng sớm càng tốt. Ông cho biết, các tham mưu trưởng sẽ tổ chức một vài cuộc họp nữa để hoàn thiện các chi tiết, nhưng đã có sự đồng ý giữa các nhà lãnh đạo ECOWAS để bắt đầu hoạt động “càng sớm càng tốt”.

Hội nghị thượng đỉnh ECOWAS diễn ra sau khi thời hạn của tối hậu thư do ECOWAS đưa ra đối với chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua. Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum trước ngày 6-8. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy. 

Trong khi đó, có thông tin cho biết tính mạng của Tổng thống bị lật đổ Bazoum đang bị đe dọa tại nơi giam giữ. Ngày 11-8, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bày tỏ lo ngại trước điều kiện giam giữ ngày càng tồi tệ của Tổng thống Bazoum, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức. Tổng thống Bazoum và gia đình trong vài ngày đã phải chịu hoàn cảnh thiếu thốn thức ăn, điện và chăm sóc y tế. Trước đó, hai quan chức phương Tây tiết lộ, chính quyền quân sự của Niger đe dọa sẽ giết ông Bazoum nếu các nước trong khu vực cố gắng can thiệp quân sự để phục chức cho ông.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ECOWAS có thể sắp hết các lựa chọn khi sự ủng hộ cho một cuộc can thiệp quân sự đang suy giảm dần. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi một giải pháp hòa bình nhằm lật ngược cuộc đảo chính quân sự ở Niger sau khi ECOWAS nhất trí triển khai một lực lượng quân sự dự phòng. Washington cũng tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cho chính quyền quân sự ở Niger về sự an toàn của Tổng thống bị lật đổ Bazoum cùng người nhà và các thành viên chính phủ đang bị giam giữ.

Theo Reuters, giới quan sát đánh giá việc tập hợp một lực lượng quân sự để can thiệp vào Niger có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn. Đó là chưa kể ECOWAS không nêu rõ ngân sách cho lực lượng dự phòng này sẽ lấy từ đâu và quốc gia thành viên nào sẽ gửi quân cũng như có bao nhiêu binh sĩ tham gia. Ngoài ra, Nigeria, quốc gia đang dẫn đầu nỗ lực khôi phục chính quyền Tổng thống Bazoum, đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh trong nước, vì vậy việc gửi một phần đáng kể quân đội tới Niger sẽ là kế hoạch nhiều rủi ro đối với họ. Điều này sẽ mở ra cơ hội đàm phán giữa các bên về tình hình Niger. 

Trong khi đó, Mali và Burkina Faso, hai quốc gia có chung biên giới với Niger, đều tuyên bố mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ. Vì vậy, nếu ECOWAS đưa quân đến Niger, khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ bị đẩy vào một cuộc chiến tranh toàn diện, nhất là nếu người dân Niger kiên quyết phản đối hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Những bế tắc xoay quanh cuộc đảo chính hôm 26-7 ở Niger đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.