Theo dự luật nói trên, mức thuế thường niên đối với những người sở hữu tài sản trên 50 triệu USD là 2% và những người có tài sản trên 1 tỷ USD là 3%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ phú Jeff Bezos sẽ phải đối mặt với khoản thuế ít nhất là 5,4 tỷ USD vào năm 2021 nếu luật mới được thông qua, theo phân tích của Bloomberg. Trong khi đó, các tỷ phú như Elon Musk cũng sẽ phải móc túi hơn 5 tỷ USD để trả thuế, Bill Gates mất 4 tỷ USD và mức thuế đối với Mark Zuckerberg sẽ là hơn 2,9 tỷ USD.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho hay khoản thuế này chỉ ảnh hưởng tới 100.000 gia đình giàu có nhất nước Mỹ và sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 3.000 tỷ USD trong 10 năm. Số tiền này sẽ dành để chi trả cho chăm sóc trẻ em, nâng cao cơ sở hạ tầng giáo dục và đầu tư năng lượng sạch. Nó giống loại thuế mà bà Warren từng đề xuất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Thượng nghị sĩ này lập luận rằng mức thuế đánh vào tài sản càng cấp thiết hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19, vì đại dịch đã bộc lộ và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ. "Đại dịch đã tạo ra nhiều tỷ phú hơn. Những người ở đỉnh siêu giàu thậm chí không mảy may bị ảnh hưởng", bà Warren nói.

 Giới nhà giàu Mỹ ngày càng giàu hơn trong đại dịch. Ảnh: Getty Images

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập trên khắp thế giới, kết quả xóa đói nghèo của nhiều quốc gia bị đảo ngược. Thế nhưng đây cũng là năm chứng kiến sự bùng nổ của số lượng các tỷ phú mới. Theo ước tính của Tạp chí Hurun, trong năm qua, cứ trung bình mỗi tuần đã có thêm 8 tỷ phú USD mới. Kèm theo đó, tài sản của những người giàu nhất thế giới, bất chấp tình hình kinh tế chung suy giảm, vẫn tăng trưởng kỷ lục. Đây là lý do mà việc tăng thuế đối với giới nhà giàu hay tính thuế dựa trên tổng tài sản được nhiều chính phủ cân nhắc áp dụng để bù vào những lỗ hổng kinh tế do đại dịch.

Tại Anh, Viện Nghiên cứu Tài chính cho biết, việc đánh thuế cao là khó tránh khỏi đối với nhiều cá nhân, không chỉ giới siêu giàu. Còn đối với Tây Ban Nha, chính phủ cũng có kế hoạch tăng thuế đối với các công ty lớn và những người có thu nhập cao để tăng nguồn thu thuế thêm 6,8 tỷ euro vào năm 2021, giúp nước này có thêm cơ hội để thoát khỏi suy thoái kinh tế.

Thực tế, một số tỷ phú cũng ý thức được vai trò của họ trong việc giải “bài toán” kinh tế. Còn nhớ hồi tháng 7 năm ngoái, hơn 80 tỷ phú đã cùng lên tiếng kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới tăng thuế nhằm vào giới siêu giàu như một giải pháp giúp huy động được nguồn tài chính cho quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Riêng tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng từng đề xuất tăng thuế đối với các công ty và người giàu, nhưng ông và một số thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội lại không ủng hộ việc đánh thuế tài sản. Họ cho rằng việc đánh thuế tài sản nhiều khả năng sẽ bị các thẩm phán bảo thủ ở Tòa án Tối cao tuyên bố là vi hiến. Chưa kể loại thuế đánh vào tài sản cũng dễ dàng bị giới siêu giàu né tránh. Đa số các nước châu Âu đã bỏ thuế tài sản vì số tiền thu được thấp hơn dự kiến, bởi các tỷ phú có nhiều phương thức để né thuế.

Cứ nhìn thực tế tại Mỹ sẽ thấy, 3 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ và cũng là những người luôn nằm trong tốp giàu nhất thế giới gồm Jeff Bezos-Giám đốc điều hành (CEO) Amazon, Elon Musk-CEO Tesla, và Bill Gates-đồng sáng lập Microsoft đều đang sống ở những tiểu bang không thu thuế thu nhập. Xa hơn nữa, những điển hình né thuế như việc chuyển quốc tịch hay trụ sở công ty sang những “thiên đường thuế” trên thế giới đã không còn là chuyện xa lạ.

“Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia khác từng thu thuế người giàu là lời cảnh báo cho nước Mỹ rằng chớ nên áp dụng. Thuế người giàu sẽ gây thách thức hành chính cực lớn và không rõ luật này có giúp Sở Thuế vụ (IRS) thu thuế hiệu quả hơn không, dù được đầu tư nhiều nguồn lực”, Erica York, chuyên gia của Tổ chức Thuế, một cơ quan nghiên cứu về thuế, nhận định.

Vậy nên, để tránh đi vào “vết xe đổ”, dự luật thuế siêu giàu đã đề xuất cấp 100 tỷ USD cho IRS để thực thi các biện pháp thu thuế quyết liệt hơn, cũng như cung cấp công nghệ mới giúp cơ quan này định giá các tài sản khó thẩm định như tác phẩm nghệ thuật hay bất động sản. Dự luật cũng đề xuất áp “thuế rời nước” 40% với những người muốn đổi quốc tịch để tránh thuế.

“Chúng tôi đã học được từ sai lầm của một số nước châu Âu. Đề xuất thuế này bao trùm mọi tài sản, không cần biết tài sản được lưu trữ trong kho hay trong bất động sản hoặc trường đua. Mọi loại tài sản đều được tính đến, vì vậy không có ích gì khi cố chuyển dịch tài sản. Ngoài ra, nó cũng bao trùm tài sản ở mọi địa điểm, dù là ở Mỹ hay đảo Cayman", bà Warren khẳng định.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, năm 2020, tài sản của 100 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng thêm 598 tỷ USD. Nếu luật mới được thông qua, số tiền thuế mà các tỷ phú tại Mỹ phải móc hầu bao trả dự kiến sẽ chiếm 13% mức tăng đó.

HÀ LAN