Sau khoảng 2,5 giờ đàm phán, hai bên đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về một số điểm, nhất trí về hành lang nhân đạo cũng như xác nhận về khả năng ngừng bắn tạm thời.
Theo RIA Novosti, trong vòng đàm phán lần này, phái đoàn Nga và Ukraine đã thảo luận 3 vấn đề: Quân sự, nhân đạo quốc tế và giải quyết cuộc xung đột về mặt chính trị trong tương lai. Đại diện của Nga và Ukraine nhất trí cùng nhau thiết lập các hành lang nhân đạo ở những nơi có giao tranh ác liệt nhất.
Trong quá trình sơ tán cư dân ở những khu vực này, một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể xảy ra. Hai bên cũng nhất trí sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ ba trong thời gian tới.
 |
Một người lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ những người tị nạn Ukraine khi họ đến Ba Lan. Ảnh: AP |
Sau khi kết thúc đàm phán, đại diện của phái đoàn Ukraine là người đầu tiên bước ra trước các nhà báo. Theo Kommersant, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine nói rằng các bên đã đạt được sự hiểu biết về vấn đề hành lang nhân đạo với một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Ông giải thích, Ukraine và Nga đang tổ chức một kênh liên lạc đặc biệt để tương tác trong quá trình sơ tán dân thường. Ngoài ra, thuốc men và thực phẩm cũng có thể được vận chuyển đến những nơi xảy ra chiến sự ác liệt nhất dọc theo các hành lang nhân đạo. Tuy nhiên, xét về tổng thể, ông Podolyak nhận định, Kiev đã không đạt được kết quả như mong đợi.
Về phần mình, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky, Trợ lý của Tổng thống Nga nhận định, Moscow và Kiev đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về một số điểm. Ông Medinsky nói rằng các bên đã đồng ý về các hành lang nhân đạo cho việc sơ tán của người dân và một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể xảy ra.
“Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine đã nhất trí về định dạng của cơ chế duy trì các hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán, cũng như có thể chấm dứt các hành vi thù địch về vấn đề này”, ông Medinsky nêu rõ.
Theo ông, vấn đề chính đã được giải quyết là giải cứu dân thường, những người đang ở trong khu vực xảy ra đụng độ quân sự. Ông Medinsky đánh giá các thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán lần này là “tiến bộ đáng kể”. Trong khi đó, ông Leonid Slutsky, một thành viên của phái đoàn Nga, người đứng đầu Ủy ban Duma quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế cho biết, phía Nga dự định sẽ nỗ lực hết sức để mở hành lang nhân đạo càng sớm càng tốt.
Việc Nga và Ukraine nhất trí thiết lập các hành lang nhân đạo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bình luận về kết quả của vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric nhấn mạnh, bất kỳ quyết định tích cực nào nhằm bảo vệ dân thường và giảm cường độ xung đột đều được LHQ hoan nghênh.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết: "Tôi hoan nghênh một thỏa thuận nhằm tạo hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường khỏi các thành phố Ukraine bị bao vây. Tôi đã kêu gọi điều này kể từ khi xung đột bùng nổ”.
Về phần mình, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga khẳng định, việc đạt được hiểu biết lẫn nhau về vấn đề nhân đạo trong một tình huống khó khăn là rất quan trọng.
Theo TASS, ngay trước khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chiến dịch quân sự của Nga tại miền Đông Ukraine diễn ra theo đúng kế hoạch và tất cả các nhiệm vụ đặt ra đang được thực hiện thành công.
Theo ông Putin, các binh sĩ Nga đã cung cấp hành lang đi lại trong tất cả các khu vực xung đột, cung cấp phương tiện di chuyển để dân thường, công dân nước ngoài có cơ hội đến nơi an toàn. Ông Putin cũng lên tiếng chỉ trích những người theo chủ nghĩa dân tộc và lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine đã sử dụng dân thường như một lá chắn sống.
Theo ông Putin, hàng trăm người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi vùng chiến sự ở Ukraine, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc đang bắt họ làm con tin.
Khi tình hình chiến sự ở Ukraine vẫn căng thẳng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại làn sóng người dân Ukraine đi lánh nạn tiếp theo sẽ dễ bị tổn thương hơn do bệnh tật và khó khăn kinh tế so với 1 triệu người hiện đã rời khỏi quốc gia Đông Âu này.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định: “Nếu xung đột quân sự leo thang, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều người dễ bị tổn thương hơn khi tìm đường đi lánh nạn chỉ với quần áo trên người”.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp Ukraine đã bác bỏ thông tin về vụ hỏa hoạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya tại thành phố Energodar của nước này. Theo cơ quan này, ngọn lửa bùng phát tại một tòa nhà huấn luyện-đào tạo ở gần đó vào sáng sớm 4-3 và không có thương vong trong vụ việc.
Trước đó, Andriy Tuz, người phát ngôn của Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya nói rằng một đám cháy đã bùng phát tại đây. Thông tin này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl năm 1986.
Trước tình hình này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kêu gọi Nga và Ukraine không giao tranh tại khu vực gần Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya, đồng thời cảnh báo tình hình "đặc biệt nguy hiểm" nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu này bị tổn hại. Theo thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, mức bức xạ ở Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya, nơi được quân đội nước này kiểm soát, vẫn đang bình thường.
LÂM ANH