Đại sứ Lê Lương Minh (bên trái) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun, trong cuộc tiếp xúc trao đổi về công việc HĐBA. Ảnh: Vietnam-un-org

Hôm nay, 1-7, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Trao đổi qua email với báo QĐND, Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh rằng đây là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nhưng có ý nghĩa rất lớn trong quá trình hội nhập và nâng cao uy tín của đất nước.
>> Tin tưởng Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách của mình

- Đại sứ có thể cho biết về việc chuẩn bị của Việt Nam với vai trò và nhiệm vụ của cương vị này?

- Chủ tịch có trách nhiệm đại diện cho HĐBA trong các hoạt động của Hội đồng theo sự uỷ quyền của các thành viên, được quyền triệu tập họp bất kỳ khi nào nếu thấy cần thiết, theo yêu cầu của thành viên HĐBA, của Tổng Thư ký hoặc Đại Hội đồng LHQ, hoặc khi HĐBA có thông tin về một tranh chấp hoặc vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế. Chủ tịch HĐBA điều phối mọi hoạt động của HĐBA, thay mặt HĐBA gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác có nguyện vọng muốn gửi gắm HĐBA giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế mà họ quan tâm. Để có hiệu lực, Chủ tịch phải cố gắng để các quyết định của mình, từ việc đưa vấn đề ra thảo luận, hình thức thảo luận cho đến nội dung phát biểu với báo chí về kết quả cuộc họp có được sự nhất trí cao của tất cả các nước thành viên.

Ngay từ khi trúng cử vào HĐBA tháng 10-2007, ta đã có lộ trình chuẩn bị cho công tác tháng 7-2008 khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA. Ta đã tiến hành nghiên cứu tổng thể về HĐBA, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến trách nhiệm và vai trò của Chủ tịch HĐBA và sớm bắt tay vào công tác chuẩn bị, trong đó có việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các nước đã làm, phối hợp chặt chẽ với Ban Thư k‎‎ý LHQ. Bên cạnh đó, ta cũng đã tích lũy được kinh nghiệm sau 6 tháng chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của HĐBA. Ta đã tiến hành tham khảo với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun và Lãnh đạo các Vụ hữu quan của Ban Thư ký LHQ. Dự kiến ngay trong ngày đầu tháng 7, trên cương vị Chủ tịch, ta sẽ tiến hành tham khảo các nước thành viên về các công việc tại HĐBA trong tháng 7/2008.

- Vậy đâu là những vấn đề chính của tháng 7 mà Việt Nam phải quan tâm khi ở cương vị Chủ tịch HĐBA?

- Chương trình nghị sự trong tháng 7 này khá nặng và là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội đồng. Nhiều vấn đề khá phức tạp như tình hình Trung Đông, Cô-xô-vô, Gru-di-a, Xu-đăng, Xô-ma-li sẽ được đưa ra thảo luận. Hội đồng cũng sẽ phải có những quyết định quan trọng liên quan đến sứ mệnh các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Đa-phơ (Xu-đăng), Cốt Đi-voa, Ê-ri-tơ-ri-a/Ê-ti-ô-pi và Nê-pan. Ngoài ra theo thông lệ, chủ tịch HĐBA trong tháng 7 còn phải đảm đương trách nhiệm soạn thảo báo cáo về công việc của HĐBA từ 1-8-2007 đến 31-7-2008 để trình Đại hội đồng LHQ xem xét. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, do phải tổng hợp khối lượng công việc rất lớn của HĐBA trong một năm, kể cả khoảng thời gian nửa cuối 2007, khi ta chưa là thành viên của HĐBA. Theo đề xuất của Việt Nam, HĐBA dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận mở về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang và có thể có một cuộc họp mở về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Pa-le-xtin. Theo thông lệ, Chủ tịch HĐBA hàng tháng cũng sẽ chủ trì buổi làm việc giữa TTK/LHQ và HĐBA dưới hình thức cơm trưa để trao đổi về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

- Việc đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA có ý nghĩa thế nào đối Việt Nam?

- Tham gia HĐBA phải tham gia xử lý các công việc quan trọng, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh quốc tế vì sự phát triển của nhiều quốc gia liên quan. Đảm nhiệm tốt công việc HĐBA và vai trò là Chủ tịch của Hội đồng tạo điều kiện, mở ra cơ hội cho chúng ta mở rộng quan hệ với các nước, đặc biệt là với các nước cũng có vai trò lớn, hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước.

- Trong trường hợp xung quanh một nghị quyết của HĐBA có nhiều quan điểm khác nhau, Việt Nam sẽ xử lý theo nguyên tắc nào? Liệu có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia khi mà Việt Nam phải đưa ra các quyết định có liên quan đến các vấn đề nhạy cảm?

- 6 tháng đầu tham gia công việc HĐBA, đối với tất cả các vấn đề, chúng ta đều có ý kiến đóng góp một cách thiết thực, được tôn trọng và đánh giá cao, dù rằng ý kiến của chúng ta không nhất thiết giống ý kiến của các nước khác trong một số trường hợp. Thực tế cho thấy rằng khi có đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế chúng ta được coi trọng, nâng cao được vị thế.

Một trong những nguyên tắc lớn khi đưa ra ý kiến của chúng ta là phải nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng ta hiểu lợi ích quốc gia gắn liền với lợi ích an ninh khu vực và an ninh toàn cầu, và có sự phụ thuộc lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Chúng ta hành động với tinh thần đóng góp giải quyết tranh chấp và xung đột thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, làm sao tránh được chiến tranh, tránh xung đột kéo dài, tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng ta làm việc với phương châm độc lập vì lợi ích quốc gia, lợi ích chung của hòa bình và an ninh quốc tế.

- Đại sứ có đánh giá gì về thời gian 6 tháng qua kể từ khi Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA?

- Trong sáu tháng đầu tiên tham gia HĐBA, Việt Nam được đánh giá là tham gia tích cực, hiệu quả, đặc biệt là với một nước mới lần đầu tham gia. Tháng 7 này, Chúng ta sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của HĐBA với sứ mệnh nặng nề. Chúng ta sẽ nỗ lực hoàn thành trọng trách này, đáp lại sự tin tưởng của nhân dân ta và cộng đồng quốc tế.

Thu Trang