Kể từ khi chính thức trình làng vào tháng 11 năm ngoái, ứng dụng hỏi đáp tự động (chatbot) ChatGPT của công ty khởi nghiệp Mỹ OpenAI được Tập đoàn Microsoft hậu thuẫn đã tạo ra cơn sốt toàn cầu, càn quét làng công nghệ với những khả năng sáng tạo như con người, bao gồm làm thơ, soạn văn, viết luận... nhưng lại chỉ trong “một nốt nhạc”. Với một thời gian ngắn, ChatGPT vượt qua hoàn toàn các kỷ lục người dùng trước đó của những ứng dụng nổi tiếng như TikTok, Facebook, Instagram. Hiện OpenAI đã giới thiệu phiên bản mới GPT-4, được quảng cáo sở hữu công nghệ AI tiên tiến chưa từng có.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Vietnamplus.vn 

 

Sức hấp dẫn, sự mới mẻ và tính ứng dụng cao từ ChatGPT đã “phả hơi nóng” vào các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Đầu tháng trước, “gã khổng lồ tìm kiếm” Google công bố một công cụ AI mới của riêng mình có tên là Bard. Tương tự đối thủ đến từ OpenAI, Google khẳng định Bard được kết hợp từ kho tàng kiến thức nhân loại với sức mạnh, trí thông minh và sáng tạo của mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại của hãng (LaMDA). Apple cũng không nằm ngoài cuộc chơi này khi các thành viên nhóm phát triển trợ lý ảo Siri đang thử nghiệm hằng tuần một chatbot dựa trên mô hình giống ChatGPT.

Gần đây nhất, mạng tìm kiếm hàng đầu tại Trung Quốc Baidu cũng công bố ứng dụng Ernie Bot tích hợp công nghệ AI giống phong cách của ChatGPT, có thể trả lời các câu hỏi và thậm chí là viết bài luận. Sản phẩm của Baidu đang thu hút sự quan tâm rất lớn ở trong nước, với việc một số công ty thông báo ý định tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của họ. Các dự án “hao hao” Ernie Bot cũng đang được xúc tiến bởi nhiều tập đoàn công nghệ tại đất nước tỷ dân như Huawei, Alibaba, Tencent, JD.com.

Không ai có thể phủ nhận vai trò đặc biệt của AI trong những tiến bộ công nghệ hiện đại. Đã xa rồi thời con người phải làm mọi thứ thủ công. Ngày nay, đa phần công việc được máy móc, phần mềm hay các quy trình tự động hóa đảm trách. Các công cụ hỗ trợ AI như ChatGPT hứa hẹn một “cuộc cách mạng” về thông tin... Chưa dừng lại ở đó, nhiều cường quốc còn không ngừng nghiên cứu những bước đột phá tiếp theo của AI. Hãng tư vấn Fortune Business Insights ước tính quy mô thị trường AI toàn cầu trong năm 2022 vượt mức 380 tỷ USD và dự báo vào cuối thập kỷ này sẽ đạt gần 1.400 tỷ USD. Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai từng chia sẻ niềm tin rằng AI sẽ có tác động lớn hơn tới thế giới và rằng đây là một trong những phát minh quan trọng nhất mà con người đang phát triển.

Ở chiều ngược lại, sự phát triển của công nghệ AI đặt ra nguy cơ tiềm ẩn không nhỏ. Những quan ngại xung quanh lĩnh vực quân sự, mức độ tin cậy, đánh cắp thông tin cá nhân, thiếu trách nhiệm pháp lý và vấn đề đạo đức như gian lận thi cử, đạo văn, vi phạm bản quyền... thường được các chuyên gia đề cập khi nhắc đến công cụ hỗ trợ AI nói riêng và công nghệ AI nói chung. Mới đây, hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, cùng nhất trí kêu gọi thế giới phải có quy định về AI để bảo đảm công nghệ này “không phương hại đến an ninh, ổn định và mức độ tin cậy quốc tế”. Trong khi đó, Liên hợp quốc cũng hối thúc các chính phủ và doanh nghiệp nhanh chóng phát triển những công cụ bảo vệ hiệu quả trước mặt trái của AI; đồng thời nêu rõ sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng hiện nay, hỗ trợ chuyên môn nhằm bảo đảm rằng khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm, dù cho công nghệ AI có phát triển đến đâu.

VĂN HIẾU