Ngày 17-5, nhà du hành vũ trụ Victor Vasilevich Gorbatko đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. “Sau khi cảm thấy không khỏe và nằm điều trị hai tuần tại Bệnh viện Mandryka, dù được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, Ông V. Gorbatko đã qua đời vào lúc 4 giờ sáng 17-5 (theo giờ Moscow)”, hãng thông tấn TASS đăng tải. Hiện tại vẫn chưa rõ kế hoạch tổ chức tang lễ và nơi an nghỉ cuối cùng của ông Ông V. Gorbatko.
Mơ ước trở thành nhà du hành vũ trụ từ thủa thiếu thời
Ông Victor Gorbatko sinh ngày 3-12-1934 tại làng Versa Zarya, vùng Krasnodar. Bố ông - Vladimir Pavlovich, làm bác sĩ thú y, còn mẹ của ông - Maria Alexandrovna công tác tại nông trang địa phương. Tuổi thơ của ông V. Gorbatko gắn liền với Voskhot, nơi làm việc của cha ông.
Phi hành gia V. Gorbatko. Ảnh chụp năm 1970. Ảnh; RIAN
Niềm mơ ước trở thành phi hành gia của ông V. Gorbatko bắt đầu khi ông đang học lớp 10 và nghe người bạn hàng xóm Oleg Gotlib kể về vũ trụ và các chuyến du hành vào không gian.
Năm 1952, ông V. Gorbatko nhập ngũ và tham gia lực lượng không quân. Sau đó, ông theo học Trường Cao đẳng Hàng không Pavlograd và tốt nghiệp năm 1953.
Năm 1956, ông tiếp tục theo học Trường Cao đẳng Hàng không Baticsky. Tới năm 1960, ông V. Gorbatko trở thành một trong những thành viên đầu tiên trong nhóm đào tạo phi hành gia của Liên bang Xô Viết. Từ đây các cuộc hành trình chinh phục không gian của phi hành gia V. Gorbatko chính thức bắt đầu.
Những chuyến du hành vào vũ trụ
Trong cuộc đời của mình, phi hành gia V. Gorbatko đã 3 lần bay vào không gian, đó là các năm 1969, 1977 và 1980.
Chuyến bay đầu tiên diễn ra ngày 12-10-1969 trên tàu vũ trụ Soyuz-7. Phi hành gia V. Gorbatko với vai trò kỹ sư hàng không và nhà nghiên cứu khoa học, cùng các thành viên khác của kíp bay đã ở trên vũ trụ tổng cộng 4 ngày 23 giờ.
Khi nói về chuyến bay đầu tiên vào không gian của mình, ông V. Gorbatko kể lại: “Chuyến bay của chiếc Soyuz-8 diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch, nhưng do gặp vấn đề với hệ thống định vị nên chúng tôi đã phải tự điều khiển con tàu. Tôi cũng không rõ làm sao có thể giải quyết được vấn đề vào thời điểm đó để tiếp tục chuyến hành trình và hạ cánh an toàn”.
Phi hành gia V. Gorbatko và Phạm Tuân. Ảnh: RIAN
Trong chuyến bay thứ 2 vào năm 1977, phi hành gia V. Gorbatko trên tàu Soyuz-24 đã bay lên vũ trụ và kết nối với trạm không gian Salyut-5. Trong chuyến hành trình, ông V. Gorbatko đóng vai trò kíp trưởng đã chỉ huy con tàu hoạt động liên tục trong không gian trong 17 ngày và 17 giờ.
“Việc kết nối với trạm không gian rất khó khăn. Sau nhiều lần tiếp cận không thành, chúng tôi đã phải chuyển chế độ điều khiển bằng tay. Cuối cùng, nỗ lực của chúng tôi đã thành công”, ông V. Gorbatko nói. Chiếc Soyuz-24 đã kết nối thành công với trạm không gian Salyut-5.
Phi hành gia V. Gorbatko và Phạm Tuân tại sân bay vũ trụ Baikonur . Ảnh: RIAN
Phi hành gia V. Gorbatko và Phạm Tuân trả lời phỏng vấn báo giới sau khi trở về trái đất từ vũ trụ. Ảnh: RIAN
Một sự kiện đáng nhớ khác trong sự nghiệp phi hành gia của ông V. Gorbatko trong chuyến bay lên vũ trụ lần thứ 3 vào năm 1980, khi ông bay cùng Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam, phi công Phạm Tuân. Các phi hành gia bay trên tàu vũ trụ Soyuz-36, Soyuz-37 và kết nối với trạm không gian Salyut-6.
Khi kể về người đồng nghiệp Việt Nam Phạm Tuân bay cùng vào vũ trụ, ông V. Gorbatko tự hào: “Tôi cảm thấy rất vinh dự được bay cùng người Anh hùng Việt Nam, người đầu tiên trên thế giới tới thời điểm hiện tại đã bắn rơi “pháo đài bay” B-52. Anh ấy là phi công duy nhất trên thế giới làm được điều đó. Anh ấy đã làm được điều mà chúng ta chưa làm được”.
Trong cuộc đời phi hành gia của mình, ông V. Gorbatko tổng cộng đã có 30 ngày 12 giờ trên vũ trụ. Theo lời chia sẻ của ông, dù không phải là người mê tín, nhưng ông luôn mang theo mình “bùa hộ mệnh” trong mỗi chuyến bay vào vũ trụ. “Trong chuyến bay đầu tiên là một nắm đất, còn trong chuyến bay thứ 2 và 3 là một chú chó nhỏ”, ông V. Gorbatko cho biết.
Ông V. Gorbatko kết hôn 2 lần. Cả hai người vợ của ông đều làm trong lĩnh vực y tế. Người vợ đầu tiên, bà Valentina Pavlovna Ordynskaya là một bác sĩ phụ khoa làm việc tại phòng khám. Ông V. Gorbatko có 2 người con gái là Irina và Marina với người vợ đầu. Họ sau này đều làm việc trong lĩnh vực tài chính. Lần lập gia đình lần thứ 2 của ông V. Gorbatko là với một bác sĩ nhi khoa Alla Viktorovna. Ông và bà Alla Viktorovna không có con.
Ông V. Gorbatko và người vợ đầu Valentina cùng hai con gái Irina và Marina. Ảnh: RIAN
Cùng với sự nghiệp phi hành gia lừng lẫy, ông V. Gorbatko còn có nhiều đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm 1974, ông V. Gorbatko được bầu Chủ tịch Hội đồng Trung ương quan hệ hữu nghị Liên Xô-Mông Cổ. Ông giữ cương vị này trong nhiều năm. Tới tháng 3-1989, ông chuyển sang giữ chức đại biểu và sau này làm Chủ tịch Hội sưu tập tem toàn Liên Xô. Sưu tầm tem cũng là một sở thích chính trong cuộc đời của nhà phi hành gia V. Gorbatko.
Ông V. Gorbatko. Ảnh: RIAN
Để vinh danh những đóng góp của ông V. Gorbatko, ngày 7-11-2003, thành phố Novokubansk, vùng Krasnodar đã dựng tác phẩm điêu khắc tái hiện cuộc đời chinh phục vũ trụ của ông.
Trong cuộc đời của mình, ông V. Gorbatko đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý không chỉ tại Liên Xô, mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông hai lần được vinh danh và trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên bang Xô Viết trong các năm 1969 và 1977. Năm 1980, ông V. Gorbatko cũng được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh. |
TUẤN SƠN (tổng hợp)