Trong nhiều năm qua, để đạt chỉ số tăng trưởng cao và vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc buộc phải hy sinh môi trường. Hậu quả để lại rất nghiêm trọng, môi trường bị tàn phá nặng nề, sức khỏe dân số giảm sút mạnh vì ô nhiễm nặng từ khu vực thành thị cho đến nông thôn.

Tại thủ đô Bắc Kinh, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề làm đau đầu nhà chức trách. Cứ vào mùa thu, dù là ban ngày hay ban đêm, bầu trời Bắc Kinh luôn bị bao phủ bởi một lớp khói sương mù mịt, thực chất là khói, bụi thải ra từ các nhà máy, công trường xây dựng, phương tiện giao thông. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh có lúc được xếp vào nhóm báo động vàng, mức cao hàng thứ hai trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc.

Người dân Bắc Kinh có thể ra ngoài mà không cần mang khẩu trang nhờ mức độ ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể. Ảnh: EPA

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới đời sống sinh hoạt của người dân ở thành phố này. Lái xe rất khó khăn khi lưu thông trên đường vì sương mù dày đặc, nhiều chuyến bay bị hủy, một số trường học phải tạm thời đóng cửa. Theo một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, chất lượng không khí tồi tệ khiến người dân giảm tuổi thọ mà nguyên nhân chính là do mắc các căn bệnh như ung thư phổi, đột quỵ.

Kể từ năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp để bầu trời đầy khói bụi của Bắc Kinh trong xanh trở lại. Theo đó, Bắc Kinh đã đóng cửa, di chuyển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, nhà máy gang thép; hạn chế ô tô cá nhân… Tuy nhiên, các biện pháp đó xem ra chưa đủ để khắc phục hậu quả quá nặng nề do cả một quá trình khá dài đã không coi trọng bảo vệ môi trường.  

Năm 2017, trong một nỗ lực lớn hơn, Bắc Kinh buộc đóng cửa 6 nhà máy xi măng và nâng cấp gần 2.000 công ty để hạn chế phát thải. Các nhà máy quanh thủ đô cũng được kiểm tra mức độ khí thải ra không khí và cơ quan quản lý sẽ áp dụng xử phạt nếu phát hiện vi phạm quy định về khí thải. Chính quyền Bắc Kinh cũng tăng cường hoạt động giám sát tình trạng bụi trong không khí tại mọi công trường xây dựng vẫn được phép hoạt động, đồng thời hạn chế sử dụng các máy móc có độ phát thải lớn. Thậm chí, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh còn khuyến khích người dân hạn chế đốt than sưởi ấm, loại bỏ các phương tiện xả thải cao…

Nhờ thực hiện biện pháp cắt giảm những nhân tố gây ô nhiễm, thủ đô Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu chất lượng không khí trong năm 2017. Trong báo cáo công bố đầu tháng 3-2018, Trung tâm đo lường môi trường Bắc Kinh cho biết, mật độ hạt PM 2.5 trung bình đo được là 58 micrograms/m3 không khí, đạt mục tiêu chất lượng mà Quốc vụ viện Trung Quốc đặt ra. Năm 2013, từng có ngày chỉ số này lên tới 900 micrograms/m3. Số ngày không khí ô nhiễm trong năm 2017 cũng giảm đáng kể. “Trong năm 2017, có 226 ngày chất lượng không khí đạt tiêu chuẩn, chiếm 62,1% số ngày trong năm. Số ngày ô nhiễm nặng trong năm cũng giảm từ mức 58 ngày hồi năm 2013 xuống còn 23 ngày trong năm 2017", ông Liu Baoxian, Phó giám đốc Trung tâm đo lường môi trường Bắc Kinh nói.

Nối tiếp đà thành công, ngày 21-3 vừa qua, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh đã công bố “Kế hoạch hành động bảo vệ bầu trời xanh cho thành phố Bắc Kinh năm 2018”, theo đó trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào các biện pháp như: Quản lý nghiêm các xe ô tô có lượng xả thải cao, vượt tiêu chuẩn, mở rộng phạm vi quản lý ở mức độ toàn thành phố; quản lý hiệu quả các công trình xây dựng và xe vận chuyển rác thải; đóng cửa khoảng 500 doanh nghiệp có lượng xả thải cao hơn mức quy định; cơ bản thực hiện sử dụng năng lượng sạch, không dùng than trên phạm vi toàn thành phố. 

Với việc áp dụng mạnh các chế tài xử lý vi phạm quy định về khí thải, chính quyền Bắc Kinh hy vọng sớm cải thiện chất lượng không khí, đưa bầu trời xanh trở lại với thành phố này.

BÌNH NGUYÊN