Lợi nhuận tỉ đô

Tính đến nay, nhiều loại vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép như: Sputnik V (Nga), Pfizer/ BioNTech, Novavax, Johnson & Johnson, Moderna, Inovio (Mỹ), Covaxin (Ấn Độ), Oxford/AstraZeneca (Anh), Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc)... Với sự xuất hiện của biến chủng Delta, một số nước giàu đã khởi động kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân, kéo theo sức ép lên dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội Trời cho khiến các hãng dược lớn kiếm bộn tiền.

Theo một bài đăng trên trang The Guardian (Anh) hồi tháng 6, các nhà phân tích ước tính hai hãng Moderna và Pfizer sẽ chiếm phần lớn trong tổng số 70 tỉ USD lợi nhuận toàn cầu từ vaccine trong năm 2021. Song con số này có thể có thể sẽ cao hơn khi biến thể Delta lây lan rộng rãi và các nhà khoa học đang tranh luận liệu mọi người có cần tiêm mũi nhắc lại hay không.

Moderna bỏ túi hàng tỷ USD doanh thu từ vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Reuters 

Ngày 5-8, Moderna, công ty nhận tài trợ của Chính phủ Mỹ để phát triển vaccine, sẽ tiết lộ doanh thu trong quý II. Hồi tháng 5, hãng dược phẩm này dự đoán sẽ đạt doanh thu 19,2 tỉ USD từ vaccine trong năm 2021, nhưng ước tính con số đó có thể tăng trong tuần tới.

Với Pfizer, công ty này sẽ chiếm phần lớn lợi nhuận từ vaccine phòng Covid-19 toàn cầu. Pfizer hiện tính phí khoảng hơn 30 USD/người cho hai mũi tiêm theo yêu cầu ở châu Âu và Mỹ.

Pfizer đã thu được 11,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay từ loại vaccine phòng Covid-19 mà công ty này phát triển cùng BioNTech của Đức. Tuần trước, Pfizer đã nâng dự báo doanh thu năm 2021 của họ từ 26 tỉ USD lên 33,5 tỉ USD. Tổng doanh thu của Pfizer đã tăng 86% trong quý II, nhưng chỉ tăng 10% nếu không tính tới doanh thu từ vaccine phòng Covid-19.

Hai hãng dược Pfizer và Moderna cũng nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm. Financial Times ngày 1-8-2021 cho biết giá bán một liều các loại vaccine Pfizer và Moderna được giao cho Liên Hiệp Châu Âu sẽ lần lượt tăng 26% và 13%. Cụ thể, giá bán một liều Pfizer tăng từ 15,5 lên thành 19,5 euro và của Moderna là từ 19 lên thành 21,5 euro, theo như tiết lộ của tờ Financial Times.

Mặc dù có giá rẻ hơn, nhưng hai loại vaccine phòng Covid-19 là AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) cũng đã kịp bỏ túi cho mình những món lợi không nhỏ. AstraZeneca tính phí từ 4,3 USD – 10 USD/2 liều vaccine, trong khi Johnson & Johnson đã tính phí 10 USD cho loại vaccine tiêm một mũi. Theo đó, vaccine ngừa Covid-19 mà hãng AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford vẫn thu về cho hãng này 1,2 tỉ USD trong đầu năm 2021.

Các “ông lớn” nhảy vào cuộc

Bên cạnh cuộc chạy đua sản xuất vaccine của các hãng dược lớn, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine phòng Covid-19, vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya, Nga phát triển đã thu hút sự chú ý của toàn cầu và nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều từ 20 quốc gia, trong đó Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước Châu Á là những khách hàng thân thiết nhất

Mới đây, Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD để bước vào nhóm 5 nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 lớn nhất thế giới trong vài năm tới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm phòng thí nghiệm vaccine của SK Bioscience tại thành phố Andong vào tháng 1. Ảnh: Yonhap. 

Kế hoạch đầy tham vọng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố vào ngày 5-8, tại cuộc họp của ủy ban hợp tác công - tư về giải pháp thúc đẩy sản xuất vaccine Hàn Quốc. "Chúng ta sẽ cố gắng nhảy vọt, trở thành một trong năm nhà sản xuất vaccine hàng đầu toàn cầu vào năm 2025", ông Moon nhấn mạnh.

Tổng thống Hàn Quốc muốn đưa vaccine phòng Covid-19 vào nhóm ba công nghệ chiến lược quốc gia, bên cạnh vật liệu bán dẫn và pin, trong bối cảnh nỗ lực chống dịch của quốc gia Đông Bắc Á này đang bị cản trở đáng kể bởi nguồn cung vaccine toàn cầu hạn chế và các hãng dược liên tục trễ hẹn đơn hàng.

Với lộ trình đầu tư gần 2.200 tỷ won (khoảng 1,9 tỷ USD) trong 5 năm, Hàn Quốc dự kiến hỗ trợ khoảng 200 nhà khoa học y khoa, đào tạo 10.000 chuyên viên thử nghiệm lâm sàng và 2.000 nhân lực sản xuất sinh phẩm mỗi năm. Theo giới phân tích, chiến lược này sẽ giúp Hàn Quốc chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản Covid-19 kéo dài cũng như những đại dịch trong tương lai.

Thực tế là nguồn cung vaccine phòng Covid-19 thế giới liên tục biến động. Đầu tuần qua, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bện Hàn Quốc (KDCA) tuyên bố kế hoạch đàm phán sớm những lô hàng cho năm 2022 trước nguy cơ xuất hiện làn sóng thu gom vaccine thứ hai của các nước phương Tây. Trong khi đó, Ấn Độ - công xưởng sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, vẫn đang tập trung cho thị trường nội địa vì diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Mất đi nguồn cung vaccine từ Ấn Độ đã đẩy hàng loạt khu vực trên thế giới vào cảnh "vỡ kế hoạch". Không ít quốc gia trong nhóm thu nhập vừa và thấp phụ thuộc vào nguồn cung vaccine giá rẻ của cường quốc Nam Á này.

Bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Huyết thanh Ấn Độ ở Pune, Ấn Độ. Ảnh: AP 

Sự chủ động trong việc sản xuất và nghiên cứu vaccine là giải pháp lâu dài cho mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo, yếu thế trong cuộc đua khốc liệt khi thị trường vaccine vẫn tiếp tục biến động và các hãng dược lớn tiếp tục tăng giá sản phẩm. Bên cạnh đó, nếu thành công thì đây có thể là cơ hội vàng để các nước thu về hàng tỷ đô để bù lỗ cho nền kinh tế kiệt quệ vì ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

LÊ ANH (tổng hợp)