Theo Al Jazeera, ngày 17-8, tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên, Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định, nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Taliban là ổn định tình hình và thành lập chính phủ toàn diện tại Afghanistan. Ông Mujahid cũng nhấn mạnh, Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các quốc gia khác. Người phát ngôn của Taliban khẳng định, Taliban sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban cũng bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.

 Một gia đình người Afghanistan vội vã đến sân bay quốc tế Hamid Karzai với hy vọng có thể nhanh chóng rời khỏi đất nước. Ảnh: Anadolu

Giữa lúc người dân Afghanistan đổ về sân bay và các khu vực biên giới để tháo chạy, Taliban đang cố gắng thể hiện lập trường ôn hòa và cởi mở hơn. Những cam kết mà đại diện của Taliban đưa ra tại cuộc họp báo được đánh giá là đổi mới so với giai đoạn cầm quyền trước khi bị lật đổ cách đây 20 năm. 

Tuy vậy, nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban đang vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng quốc tế. Phản ứng trước những cam kết của Taliban, Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric tuyên bố, LHQ cần phải thấy được hành động trên thực tế của lực lượng này tại Afghanistan. “Chúng ta sẽ cần phải xem điều gì thực sự xảy ra với Afghanistan và tôi nghĩ rằng, Taliban cần phải hành động để những lời hứa hẹn của họ trở thành hiện thực”, ông Dujarric cho biết. Trong khi đó, bình luận về một loạt các cam kết của Taliban, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh, Washington hy vọng lực lượng này sẽ thực hiện lời hứa. Ông Price nêu rõ: “Bất kỳ mối quan hệ nào trong tương lai giữa Taliban và Mỹ hoặc Taliban và các nước khác sẽ dựa trên những hành động của lực lượng này. Nếu Taliban tuyên bố rằng họ sẽ tôn trọng các quyền của công dân, chúng tôi và toàn bộ cộng đồng quốc tế mong đợi họ thực hiện tuyên bố này”. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU sẽ phải thảo luận với Taliban nhằm tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo và di cư. Tuy nhiên, ông Borrell cũng chỉ rõ các cuộc thảo luận như vậy không có nghĩa là EU chính thức công nhận chế độ Taliban ở quốc gia Nam Á. Ông Borrell khẳng định Brussels vẫn cảnh giác về việc tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế của lực lượng này.

Trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban đã áp dụng nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia. Theo đó, âm nhạc, truyền hình, phim ảnh và internet đều bị cấm. Phụ nữ bị cấm đi làm, các bé gái bị cấm đến trường. Phụ nữ nếu muốn ra đường phải có người thân là nam giới đi kèm. Bởi vậy, người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, cũng chưa dám đặt lòng tin vào những cam kết mà Taliban đưa ra. Trên khắp đất nước, nhiều người vẫn ở nhà, quá sợ hãi bước vào một thế giới mới, nơi lực lượng từng hạn chế mọi hành động của họ giờ đã nắm quyền.

Tình hình Afghanistan trở nên hỗn loạn sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul ngày 15-8. Lo sợ Taliban sẽ thực thi những chính sách hà khắc, nhiều người đổ xô đến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul với hy vọng có thể lên được một chuyến bay bất kỳ rời Afghanistan. LHQ đã kêu gọi các nước cấm mọi hình thức bắt buộc người dân Afghanistan trở về nước. Về phần mình, Đại sứ Afghanistan tại LHQ Ghulam Isaczai nhấn mạnh, hàng triệu người dân nước này đang phải đối mặt với tương lai bất định và cần sự trợ giúp kịp thời của cộng đồng quốc tế. Theo Reuters, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ tái định cư trong dài hạn cho người Afghanistan. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên, Anh sẽ hỗ trợ tái định cư cho 5.000 người Afghanistan. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 20.000 người trong dài hạn. Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sử dụng 500 triệu USD từ quỹ khẩn cấp liên bang để giúp tái định cư hàng nghìn người tị nạn Afghanistan.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng người dân Afghanistan vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh về cuộc sống dưới quyền Taliban. LHQ, lãnh đạo các nước và giới quan sát hiện vẫn theo dõi sát sao hành động của Taliban với thái độ thận trọng. Tương lai của Afghanistan và người dân nước này sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào việc Taliban có thực sự thay đổi và thực hiện các cam kết của mình hay không.

LÂM ANH