Một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ đã chia sẻ với Reuters, nước này sẽ miến thuế 10% đối với vaccine Covid-19 nhập khẩu vào Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi đang cố gắng tăng nguồn cung vaccine để chống lại làn sóng lây nhiễm mới đang càn quét quốc gia Nam Á.

Ấn Độ vốn được mệnh danh là cường quốc dược phẩm của thế giới. Nước này sản xuất hơn 60% lượng vaccine trên toàn cầu và là nơi đặt trụ sở của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Năng lực sản xuất vaccine mạnh mẽ của Ấn Độ là lý do tại sao nước này trở thành nhà cung cấp chính cho chương trình Covax Facility-sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, cung cấp vaccine miễn phí hoặc chiết khấu cho các quốc gia có thu nhập thấp. Theo thỏa thuận được công bố hồi năm ngoái, SII sẽ sản xuất tới 200 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ phải nhập viện điều trị. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, mới đây, quốc gia sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn thứ hai thế giới này đã quyết định ngừng gần như toàn bộ việc xuất khẩu vaccine, để ưu tiên nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải nhập khẩu thêm vaccine Sputnik V của Nga để tiêm ngừa cho 125 triệu người dân. Nguyên nhân khiến Ấn Độ phải làm vậy là bởi các ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng vọt ở nước này thời gian qua. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới khi ghi nhận tổng cộng 15 triệu ca nhiễm, trong đó gần 179.000 người đã tử vong vì Covid-19. Riêng ngày 19-4, Ấn Độ đã có tới hơn 273.800 ca nhiễm mới và 1.600 ca tử vong.

Trước tình hình ngày càng trầm trọng, hệ thống bệnh viện quá tải, Ấn Độ thậm chí còn phải thay đổi quy định để có thể nhập khẩu vaccine, dù trước đó từng khước từ vaccine ngoại. "Chúng tôi hy vọng và xin mời các nhà sản xuất vaccine Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và những hãng khác sẵn sàng đến Ấn Độ càng sớm càng tốt", Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao của chính phủ cho biết.

Một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine ở Ấn Độ là do thiếu nguồn cung nguyên liệu thô. Theo cựu Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) Nirmal Kumar Ganguly, Ấn Độ có đủ năng lực để sản xuất, nhưng chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn trong thời gian đại dịch. Công thức vaccine và nguyên liệu cần thiết không thể thay đổi ngay lập tức, vì vậy, quốc gia này phải dựa vào nguồn nguyên liệu được nhập khẩu.

Trong khi đó, Mỹ đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất vaccine và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thắt chặt các hạn chế tương tự đối với xuất khẩu vaccine Covid-19. Bởi vậy, Ấn Độ hiện đang nỗ lực để thích nghi với những vật liệu được sản xuất trong nước hoặc các nước láng giềng như Singapore.

Ngoài thiếu nguồn cung nguyên liệu thô, việc lơ là cảnh giác, đánh giá thấp tình hình dịch bệnh cũng góp phần khiến Ấn Độ rơi vào tình trạng trớ trêu hiện nay. Bất chấp những cảnh báo về rủi ro của dịch Covid-19, hàng triệu người dân vẫn tụ tập để tổ chức các buổi cầu nguyện, tham dự các nghi lễ và ngâm mình trên sông Hằng. Chương trình tiêm chủng của quốc gia Nam Á cũng không thu được kết quả như mong đợi vì phải đối mặt với sự do dự của người dân do những thông tin về các trường hợp đông máu hiếm gặp ở những người được tiêm.

Những khó khăn trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở quốc gia Nam Á, đồng thời cũng làm trì hoãn các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở hơn 60 quốc gia khác, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Phi, bởi Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho chương trình Covax Facility. Cho đến thời điểm này, SII mới chỉ bàn giao khoảng 28 triệu liều vaccine cho Covax Facility. Con số này rất ít ỏi so với 100 triệu liều đầu tiên mà Ấn Độ thỏa thuận cung cấp cho chương trình trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định nhu cầu của nước này sẽ quyết định số lượng vaccine xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình Covax Facility-nỗ lực hợp tác toàn cầu chống lại chủ nghĩa dân tộc vaccine và bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên thế giới- cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu tình hình dịch tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến xấu.

Trước nay, Ấn Độ vẫn luôn thể hiện sự hào phóng trong việc chia sẻ vaccine tới các quốc gia nghèo. Thông điệp về sự đoàn kết, sẵn sàng sẻ chia khó khăn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu đã từng giúp Ấn Độ nâng cao vị thế trên trường quốc tế cũng như thắt chặt quan hệ với các nước trên thế giới. Vậy nhưng, tình hình hiện nay cho thấy Ấn Độ sẽ khó có thể tiếp tục theo đuổi chính sách "ngoại giao vaccine" nếu không giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng như cơn khát vaccine Covid-19 trong nước.

NGỌC HÂN