Hiện nay ở Trung Quốc ngày càng có nhiều người trẻ sẵn sàng dấn thân vào công cuộc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. 

Đối với một nghệ nhân mới vào nghề như Trương Quân Lượng, việc bước chân vào thế giới của những di sản văn hóa phi vật thể là một điều vừa tình cờ vừa tất yếu.

Ông ngoại cô, ông Cát Nguyên Sinh, là một trong những nghệ nhân tiêu biểu đang kế thừa nghệ thuật nung và chế tác lưu ly thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời cũng là truyền nhân đời thứ 7 của dòng họ Tô nổi tiếng với các sản phẩm từ ngọc lưu ly.

leftcenterrightdel
 Trương Quân Lượng bên một tác phẩm chưa hoàn thành của mình. Ảnh: China News

Trương Quân Lượng sống với ông ngoại từ nhỏ nên niềm say mê đối với ngọc lưu ly lớn dần lên trong cô qua năm tháng. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học, cô trở về quê hương và chính thức học kỹ thuật chế tác lưu ly từ ông ngoại. Năng khiếu hội họa, chuyên ngành nghệ thuật và truyền thống gia đình đều là những yếu tố quan trọng thúc đẩy Trương Quân Lượng dấn thân vào nghề chế tác lưu ly.

Với tư duy sáng tạo, cô không ngừng tìm cách kết hợp truyền thống với hiện đại, đồng thời thiết kế và phát triển một loạt sản phẩm lưu ly giàu tính sáng tạo, như bình hoa trang trí, đồ dùng văn phòng hay các món đồ chơi nhỏ... Những sản phẩm lưu ly mà Trương Quân Lượng làm và đăng tải lên các trang mạng xã hội luôn nhận được sự yêu thích của cư dân mạng.

Nhiều người cho rằng, đây là một công việc nhàm chán và không kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, Trương Quân Lượng vẫn tin vào con đường mình đã chọn.

“Tôi nguyện trở thành một chú đom đóm của sự kế thừa và đổi mới, để ngọc lưu ly mãi mãi tỏa sáng”, cô gái sinh năm 1998 bày tỏ. Trương Quân Lượng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có lòng cam đảm để tin rằng bản thân có thể kế thừa và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Cô hy vọng tình yêu đối với ngọc lưu ly của mình sẽ thôi thúc các bạn trẻ càng thêm yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống.  

THANH LOAN