Theo CNN, ngày 25-3, phát biểu tại Brussels (Bỉ) cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo quốc gia này và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Washington cho biết, lực lượng đặc nhiệm sẽ làm việc nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và EU trong các tháng tới và những năm tiếp theo. Đồng thời, lực lượng đặc nhiệm này cũng hỗ trợ mục tiêu của EU là chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN 

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu từ Nga là điểm mấu chốt khiến các nỗ lực trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow chưa thể phát huy tác dụng như mong muốn của Washington. Do vậy, không lạ gì khi trong chuyến công du châu Âu lần này, ông Biden nhắm mục tiêu tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các nước đồng minh châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ, nhằm gia tăng sức ép với Nga. Hiện Mỹ đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng châu Âu thì vẫn đang mắc kẹt trong việc cắt giảm nguồn cung từ Moscow.

 “Sẽ mất một khoảng thời gian để điều chỉnh các chuỗi cung ứng khí đốt và cơ sở hạ tầng đã được xây dựng trong thập kỷ trước, vì vậy, chúng tôi sẽ phải bảo đảm các gia đình ở châu Âu có thể vượt qua mùa đông này và những mùa đông tiếp theo trong khi chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng cho một tương lai năng lượng sạch đa dạng và có khả năng phục hồi", ông Biden nói trong bài phát biểu tại Brussels. Được biết, phía Mỹ cũng tuyên bố sẽ phối hợp với một số quốc gia khác để cung cấp cho EU ít nhất 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng vào cuối năm nay, trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga.

Trước đó, trong lịch trình dày đặc tại Brussels, nhà lãnh đạo Mỹ đã tham dự Hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gặp các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các lãnh đạo EU.

Sau Brussels, chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Biden trong chuyến công du này là Ba Lan, quốc gia được xem là "mắt xích quan trọng trong chuỗi kết nối Ukraine và phương Tây", nơi tập trung lớn nhất của dòng người sơ tán khỏi Ukraine. Đây cũng là nước thành viên NATO dễ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi xung đột đang diễn ra ở bên kia biên giới. Ngày 25-3, nhà lãnh đạo Mỹ đã tới đông nam Ba Lan và dự kiến đến thăm thành phố Rzeszow, cách biên giới Ukraine chưa tới 100km.

Nhiều nhà phân tích đánh giá sự hiện diện của Tổng thống Biden tại Ba Lan là điều vô cùng cần thiết, giúp ông “ghi điểm” trong mắt đồng minh cũng như lôi kéo thêm sự ủng hộ khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã ở rất gần. Trước đó đã có nhiều ý kiến đánh giá Mỹ chưa đóng vai trò đáng kể trong nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra. Mỹ thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev thông qua viện trợ vũ khí sát thương, hỗ trợ nhân đạo và các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhưng chưa thật sự có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ thể hiện vai trò quốc gia đứng đầu NATO cũng như trụ cột an ninh sống còn cho đa số các nước châu Âu. Chuyến thăm lần này gây được sự chú ý cũng một phần bởi nó được kỳ vọng sẽ thể hiện rõ hơn vai trò của Mỹ trong vấn đề hiện tại ở Đông Âu và rộng hơn là an ninh châu Âu.

GIA HUY