Tân Hoa xã ngày 25-3 đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã gọi chuyến thăm của phái đoàn Mỹ là "không phù hợp". Theo Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen, chuyến thăm được lên kế hoạch không đúng thời điểm vì chính quyền Greenland đang trong giai đoạn tạm quyền sau cuộc bầu cử hôm 11-3 vừa qua. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đan Mạch cho rằng mục đích của chuyến thăm chỉ là nhằm "kéo Greenland về phía Mỹ".

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen gọi chuyến thăm dự kiến của phái đoàn Mỹ tới Greenland là "không phù hợp". Ảnh: Reuters 

Nhà Trắng tuyên bố chuyến thăm của phái đoàn Mỹ mang đến cơ hội xây dựng quan hệ đối tác "vốn tôn trọng quyền tự quyết của Greenland và thúc đẩy hợp tác kinh tế". Tuy nhiên, hôm 23-3, Thủ tướng Mette Frederiksen khẳng định mặc dù Đan Mạch mong muốn hợp tác với Mỹ, song đó phải là sự hợp tác dựa trên những giá trị cơ bản về chủ quyền, sự tôn trọng giữa các quốc gia và người dân. Trong khi đó, Thủ hiến Greenland Mute Egede xem chuyến thăm của phái đoàn Mỹ là "khiêu khích" và "nguy hiểm". Ông Mute Egede cho rằng mục đích duy nhất của chuyến thăm là "để thị uy".

Chuyến thăm được lên kế hoạch trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố ý định giành quyền kiểm soát Greenland, khẳng định vùng lãnh thổ Bắc Cực này có giá trị chiến lược to lớn đối với Mỹ. Thủ hiến Greenland đánh giá chuyến thăm chắc chắn sẽ khiến người Mỹ tin vào ý định của ông chủ Nhà Trắng và sức ép sẽ gia tăng sau chuyến thăm. "Cho đến gần đây, Greenland vẫn tin tưởng Mỹ là bên chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ. Nhưng điều đó đã kết thúc rồi", ông Mute Egede nêu rõ.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, là nơi sinh sống của khoảng 57.000 người. Greenland có vị trí địa chính trị độc đáo: Nằm giữa Mỹ và châu Âu. Greenland nằm trên các tuyến đường hàng không và đường biển chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương. Nơi đây đặt căn cứ không gian Pituffik của Mỹ, hỗ trợ các hoạt động cảnh báo tên lửa và giám sát không gian.

Ngoài ra, Greenland còn là cửa ngõ quan trọng dẫn đến Bắc Cực-khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các quốc gia lớn khi băng tan mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới. Dù 80% bề mặt bị bao phủ bởi băng, Greenland vẫn sở hữu lượng tài nguyên thiên nhiên đáng kể, đủ sức hấp dẫn mọi cường quốc. Theo AP, Greenland có trữ lượng lớn dầu mỏ, các loại khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm-vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành công nghệ cao như sản xuất xe điện, thiết bị quân sự... Với những yếu tố này, Greenland từ lâu đã không còn là hòn đảo xa xôi bị lãng quên.

Ngày 24-3, Tổng thống Donald Trump đã một lần nữa nhấn mạnh ý định đưa Greenland trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ. "Tôi nghĩ Greenland sẽ thuộc về tương lai của chúng ta. Điều này rất quan trọng, xét dưới góc độ an ninh quốc tế", Al Jazeera dẫn lời ông chủ Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng bảo vệ chuyến thăm theo kế hoạch của phái đoàn Mỹ tới Greenland. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố chuyến thăm thể hiện "sự thân thiện, không phải khiêu khích", đồng thời khẳng định "rất nhiều người dân Greenland" đang mời gọi Mỹ.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.