Tính chất sử liệu học của Nhật Bản

Nhân Ngày nổ ra cuộc chiến tranh ngắn giữa Liên Xô và Nhật Bản (từ ngày 9-8 đến 2-9-1945) và Ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai tại Nhật Bản (15-8-1945), Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã công bố những tài liệu mật về vũ khí sinh học của Nhật Bản, loại vũ khí được Đế quốc Nhật lên kế hoạch sử dụng để chống lại các kẻ thù của mình.

Đó là biên bản những cuộc thẩm vấn Tổng tư lệnh cuối cùng của Đạo quân Quan Đông Otozo Yamada. Viên chỉ huy quân đội Nhật Bản này bị hỏi cung từ năm 1945 đến 1949 trong khuôn khổ phiên tòa xét xử diễn ra tại thành phố Khabarovsk (Liên bang Nga), khi binh sĩ Nhật Bản bị buộc tội chế tạo và sử dụng vũ khí sinh học. Trong thời gian chiến tranh, Tướng Otozo Yamada đã trực tiếp chỉ huy các biệt đội số 731 và 100 chuyên nghiên cứu vũ khí sinh học, các thí nghiệm của họ được tiến hành trực tiếp trên cơ thể người sống.

 Nơi đặt căn cứ của biệt đội số 731 ở ngoại ô Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc.

Các tài liệu được giải mật cho phép lưu giữ ký ức về những bài học tàn khốc của Thế chiến, cũng như về chiến công của quân đội Xô viết từng ngăn chặn quân đội Nhật Bản gây ra một cuộc chiến tranh sinh học chống lại Liên Xô và Hoa Kỳ.

Vấn đề là ở chỗ, tại Nhật Bản thời hậu chiến và hiện nay, người ta không nhấn mạnh đến mặt tiêu cực liên quan tới quân đội Nhật Bản trong chiến tranh, hoặc tới những hành động của các đồng minh hiện tại của Mỹ. Sử liệu học và chính sách của Nhật Bản né tránh một cách tế nhị những vấn đề gây khó chịu đối với xã hội Nhật Bản, chẳng hạn như cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937 và các hành động tàn khốc khác do lính Nhật gây ra. Người Nhật đang nỗ lực khỏa lấp những khoảnh khắc tiêu cực như vậy đối với đất nước mình. Nói về hai vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki, họ cố gắng không nhắc đến người Mỹ nữa.

Phản ứng của Nhật Bản trước bom nguyên tử

Đáng chú ý, giới lãnh đạo quân chính Nhật Bản đã tỏ ra khá bình tĩnh trước các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử của Mỹ vào các thành phố của họ. Thứ nhất, tổn thất do các vụ ném bom rải thảm thường xuyên xuống những thành phố Nhật Bản, vốn phần lớn được xây dựng bằng gỗ và bị thiêu rụi hoàn, đã vượt quá thiệt hại từ các cuộc tấn công nguyên tử vào Hiroshima và Nagasaki. Rõ ràng, nếu xảy ra một cuộc xâm lược trực tiếp của quân đồng minh lên các hòn đảo Nhật Bản, nơi cơ quan đầu não Nhật Bản có kế hoạch phòng thủ cho đến người Nhật cuối cùng, thì sẽ còn gây ra cho dân thường thương vong lớn hơn. Thứ hai, người Nhật đã có phản ứng phi đối xứng trước các cuộc tấn công nguyên tử từ đối phương.

Năm 1932, người Nhật đã lập ra một cơ sở bí mật chuyên nghiên cứu vũ khí vi khuẩn đặt tại khu vực ngoại ô thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Đứng đầu cơ sở bí mật này là Trung tướng Ishii Shiro. Trên cơ sở đó cũng đã thành lập biệt đội số 731 chuyên nghiên cứu virus, côn trùng, độc tố, những căn bệnh truyền nhiễm khác nhau, cũng như sản xuất chất độc dùng trong chiến tranh…

Các thử nghiệm ma quỷ này trên cơ thể người đã khiến cho 3.000 đến 10.000 nạn nhân bị chết. Gần 70% đối tượng thử nghiệm là người Trung Quốc, gần 30% là người Nga (bao gồm những người tị nạn đến từ thời Đế chế Nga), số còn lại là người Triều Tiên và người Mông Cổ.

Năm 1935, biệt đội số 100 được thành lập và đặt tại thị trấn Mengjiatun, cách Tân Kinh 10km về phía Nam. Chỉ huy biệt đội này là Thiếu tướng Wakamatsu, cấp dưới của Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ Tham mưu Đạo quân Quan Đông, Trung tướng Takaatsu Takahashi.

Biệt đội số 100 chuyên chế tạo vũ khí vi khuẩn dùng để tiêu diệt động thực vật. Những nghiên cứu được tiến hành tại biệt đội này có liên quan không những đến động vật, mà còn sử dụng con người để làm thí nghiệm. Kết quả của những lần thí nghiệm đã làm cho con người yếu đi (họ bị cho dùng thuốc ngủ, độc tố và ma túy), sau đó bị nhiễm bệnh kiết lỵ, rồi các hợp chất xyanua được sử dụng cho họ dưới dạng thuốc và do vậy khiến họ bị chết.

Những vật chứng được tìm thấy tại căn cứ của biệt đội số 731. 

Đến thời điểm Liên Xô tham chiến với Nhật Bản, tại đây đã chế ra hàng loạt phương pháp sử dụng vũ khí sinh học, cũng như đã chuẩn bị một lượng lớn dự trữ đạn dược.

Cuốn sách của nhà văn Nhật Bản Morimura Seiichi mang tựa đề “Căn bếp của quỷ”, kể lại khá chi tiết về hoạt động của các đơn vị đặc biệt thuộc Đạo quân Quan Đông. Tại khu vực hoạt động của biệt đội số 731 có cả một nhà máy, nơi đã nghiên cứu xong mầm bệnh dịch hạch, sốt phát ban, ung thư tuyến, bệnh than, bệnh phong… Đến năm 1945, người Nhật đã tích lũy được kho dự trữ vũ khí sinh học khá kiên cố. Họ cũng nghiên cứu chế tạo ra loại bom gốm đặc biệt, dùng để mang đến lãnh thổ của kẻ thù không chỉ vi khuẩn, mà còn các vật thể sinh học bị nhiễm bệnh, như chuột, bọ ve, bọ chét…

Một binh sĩ biệt đội số 731 từng cho biết: “Nếu bom sinh học của Nhật Bản trong điều kiện lý tưởng được gieo rắc trên toàn cầu, thì điều này sẽ đủ để hủy diệt toàn bộ nhân loại”.

Quân đội Liên Xô cứu thế giới khỏi chiến tranh sinh học

Người Nhật đã chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến tranh sinh học bằng ba phương pháp. Thứ nhất, bằng các hoạt động phá hoại của những biệt đội được điều sang lãnh thổ đối phương nhằm làm nhiễm khuẩn nguồn nước. Thứ hai, đó là hoạt động của đạn pháo, trong đó có chứa các vật bị nhiễm bệnh và bắn vào lãnh thổ của đối phương. Thứ ba, đó là sử dụng máy bay và ném bom.

Trong đó, phương pháp khả thi nhất được Trung tướng Ishii Shiro cho là sử dụng bom sinh học ném từ máy bay.

Một quả bom gốm với lượng nhỏ thuốc nổ có thể phát nổ ở độ cao không lớn so với mặt đất. Những con bọ chét mang dịch hạch nằm rải rác trên mặt đất ngay lập tức bắt đầu “hành động” để tìm kiếm vật truyền bệnh.

Các chất gây chết người này đã được thử nghiệm tại Trung Quốc. Kể từ năm 1939-1940, ở nhiều nơi khác nhau của nước này đã ghi nhận được các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm cấp tính, vốn bắt nguồn từ một nơi rồi sau đó lan rộng sang một khu vực rộng lớn.

Các lãnh đạo của biệt đội số 731 trong một phiên tòa xét xử.  

Nhà văn Nhật Bản Morimura từng nhận định: “Có nhiều căn cứ xác đáng để nghi ngờ rằng, những đợt bùng phát sốt phát ban và dịch hạch bắt đầu năm 1940 ở nhiều vùng phía đông bắc Trung Quốc là không khác gì “những hành động phối hợp chiến đấu”, được tiến hành hoàn toàn bí mật bởi biệt đội số 731, hiến binh của Đạo quân Quan Đông và các đơn vị đặc nhiệm”.

Ngoài ra, vũ khí sinh học cũng được sử dụng để chống lại quân đội Trung Quốc. Việc phát tán bọ chét mang bệnh dịch hạch đã được tiến hành bằng máy bay, hay còn gọi là “mưa vi khuẩn”; các nguồn nước, thực phẩm và khu dân cư bị nhiễm bệnh thông qua những hoạt động phá hoại. Đã có ít nhất hàng trăm người bị chết trong những vụ này.

Phiên tòa diễn ra tại thành phố Khabarovsk đã chứng minh rằng, vũ khí sinh học cũng đã từng được sử dụng để thực hiện các hoạt động phá hoại chống lại Liên Xô.

Sau khi kết thúc chiến tranh, Tướng Otozo Yamada đã thừa nhận: “Vũ khí vi khuẩn sẽ được sử dụng chống lại Mỹ, Anh và những nước khác, nếu như Liên Xô không phát động cuộc chiến chống Nhật Bản. Việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản và việc Hồng quân tiến quân thần tốc vào sâu trong lãnh thổ Mãn Châu đã tước đi của chúng tôi cơ hội sử dụng vũ khí vi khuẩn chống lại Liên Xô và các nước khác”.

Nhật Bản từng sở hữu những tàu ngầm cỡ lớn dòng I-400 có thể vượt đại dương và được trang bị nhiều máy bay, có khả năng vận chuyển bom mang vũ khí sinh học và thùng chứa mang động vật và côn trùng bị nhiễm bệnh đến những khu vực đông dân cư của Mỹ (bờ biển phía tây của Hoa Kỳ). Điều này có thể giáng một đòn mạnh vào nước Mỹ, gây ra hoảng loạn và bùng phát dịch bệnh.

Như vậy, sau hai vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, cơ quan đầu não nước này đã bắt đầu chuẩn bị đòn tấn công đáp trả vào Hoa Kỳ, nhưng việc Liên Xô bất ngờ tham chiến đã làm xáo trộn tất cả các quân bài của người Nhật. Đạo quân Quan Đông sau đó nhanh chóng bị đánh bại. Và cuộc tiến công thần tốc của quân đội Liên Xô đến huyện Pingfan, nơi đặt căn cứ của biệt đội số 731, đã phá hỏng kế hoạch tiến hành chiến tranh sinh học của Nhật Bản.

Phần lớn các công trình, phòng thí nghiệm và tài liệu của biệt đội số 731 đã bị tiêu hủy, một số nhân viên đã tự sát. Trước đó, tất cả các tù nhân đều bị họ thủ tiêu một cách tàn bạo.

Những người còn sót lại của đơn vị bí mật đã được sơ tán đến Triều Tiên, sau đó sang Nhật Bản. Một số kẻ đào tẩu bị tụt lại trên đường đi, rõ ràng là họ không muốn quay về Nhật Bản, và đã bị quân đội Trung Quốc hoặc Liên Xô bắt làm tù binh. Tại Nhật Bản, các thành viên của biệt đội số 731 được lệnh phải che giấu việc họ từng phục vụ trong quân đội và làm việc cho biệt đội này, đồng thời không được nắm giữ những chức vụ trong chính quyền và ngoài xã hội, cũng như phải cắt đứt mọi liên lạc với nhau.

Sau chiến tranh, người Mỹ đã tìm ra cựu chỉ huy Nhật Bản Ishii Shiro, trao cho ông ta quyền miễn trừ bị truy tố để đổi lấy thông tin về những nghiên cứu vũ khí vi khuẩn. Nhờ đó, người Mỹ đã có được những tài liệu mật quý giá.

Phía Liên Xô từng được thông báo: “Nơi ở của ban lãnh đạo biệt đội số 731, trong đó có cả Ishii Shiro, là không được biết đến, và hiện không có căn cứ nào để buộc tội biệt đội này vi phạm tội ác chiến tranh”. Tuy nhiên, Moscow vẫn kiên quyết đòi tiến hành điều tra các hoạt động của biệt đội số 731 này.

QUỐC KHÁNH (theo Topwar)