Sự tồn tại của các hố đen-một trong những vật thể kỳ bí trong vũ trụ, đã được chấp nhận rộng rãi dù rất ít thông tin về nó. Các hố đen được hình thành từ những gì còn lại của một ngôi sao lớn sau khi chết đi trong một vụ nổ tân tinh. Các nhà khoa học cho rằng, có thể có hàng tỷ hố đen trong dải ngân hà.

Hố đen từng được dự báo ngay từ thế kỷ 18. Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu hố đen cả về lý thuyết cũng như quan sát trực tiếp, nhưng cho đến nay, chưa có một kính viễn vọng nào phát hiện được sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, ngày 10-4 vừa qua, trong một cuộc họp báo qua cầu truyền hình, diễn ra đồng loạt tại 6 thành phố, gồm: Washington (Mỹ), Bruxelles (Bỉ), Santiago (Chile), Đài Bắc (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), một nhóm nhà khoa học đã công bố hình ảnh hố đen đầu tiên trong lịch sử, tiết lộ về cái gọi là "chân trời sự kiện", đường ranh giới quanh một hố đen, nơi lực hấp dẫn mạnh đến nỗi không định luật vật lý bình thường nào có thể áp dụng được và không gì có thể thoát ra.

Nhà khoa học Katie Bouman của trường Đại học Havard vui mừng khi phục dựng được ảnh hố  đen. Ảnh: ParisMatch.

Theo AP, hố đen vừa được phát hiện nằm tại trung tâm của thiên hà Messier 87 (gọi tắt là M87), cách Trái Đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời. Để tóm bắt được hình ảnh “quái vật” này, chương trình hợp tác của EHT đã phải huy động 8 kính viễn vọng trên toàn cầu, từ các núi lửa ở Hawaii (Mỹ) đến sa mạc Atacama ở Chile, đến tận Nam Cực và châu Âu. 8 kính viễn vọng này (được gọi chung là Kính thiên văn Chân trời Sự kiện EHT) đều được chỉnh sửa chính xác hướng về cùng một tọa độ tạo thành một "con mắt" nhìn lên trời có kích cỡ tương đương với cả hành tinh.

Để làm được điều không tưởng, Kính thiên văn Chân trời Sự kiện EHT không nhìn thẳng vào hố đen mà chụp những quầng sáng xung quanh miệng hố đen-vùng chân trời sự kiện, ánh sáng phát ra khi vật chất vượt qua vùng ranh giới chết người, chỉ đi không trở lại. Khí gas tại vùng chân trời sự kiện nóng lên hàng tỷ độ, tạo ra một quầng có tên "bóng của hố đen". Thuyết tương đối của Einstein đã dự đoán sự tồn tại của khu vực này.

Dù vậy, xử lý cùng lúc dữ liệu của 8 kính viễn vọng chụp về là điều không hề đơn giản. RFI cho biết thêm, các quan sát đầu tiên khởi sự từ tháng 4-2017 với kết quả là 4 triệu tỷ octet (đơn vị thông tin trong điện toán và viễn thông) thông tin thu được. Sau 8 tháng xử lý thông tin, ngày 23-12-2017, một ngày trước Noel, kết quả cho thấy hố đen mơ ước đã lọt vào tầm ngắm.

Hố đen trong tầm ngắm, nhưng không có nghĩa là hình ảnh có thể được phục dựng. Phải hơn một năm làm việc nữa mới cho phép các nhà khoa học chuyển được các dữ liệu thành hình ảnh. Để bảo đảm độ tin cậy, 4 nhóm hoàn toàn khác nhau được giao trách nhiệm xử lý cùng lúc khối lượng thông tin này. Tất cả đều đạt được một hình ảnh giống nhau: Một vòng tròn tối ở giữa, với xung quanh là một quầng đỏ. “Chưa bao giờ tôi có thể tin là mình sẽ được nhìn thấy hình ảnh một hố đen thực sự khi còn sống”, nhà vật lý thiên văn Pháp Jean-Pierre Luminet (CNRS), tác giả của mô hình số hóa đầu tiên mô phỏng hố đen, ngạc nhiên nói.

Phát hiện nói trên là một bằng chứng mới xác nhận lý thuyết tương đối tổng quát của nhà bác học Albert Einstein về các định luật trường lực hấp dẫn và mối quan hệ của chúng với các trường lực tự nhiên khác, cũng như “hệ quy chiếu không-thời gian” thường được ví như là những nền tảng của vũ trụ. Giáo sư vật lý và vũ trụ Priyamvada Natarajan tại Trường Đại học Yale (Mỹ) cho biết, các hình ảnh này là một thành quả khoa học lớn, sẽ tạo cơ hội để nghiên cứu về vũ trụ và hành tinh mà con người đang sống. Theo bà, các hình ảnh này cũng sẽ kiểm chứng học thuyết tương đối của Einstein.

BÌNH NGUYÊN