Tư tưởng cực đoan đang hiện hữu tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á
Trong thông báo ngày 6-10 của Tổng Thanh tra cảnh sát Malaysia Mohamad Fuzi Harun cho biết các vụ bắt giữ được tiến hành sau khi cảnh sát có thông tin tình báo về việc nhóm trên đang mưu toan thành lập một trung tâm tôn giáo ủng hộ thánh chiến tại khu vực. Các nghi phạm trong độ tuổi từ 24 đến 38 gồm 5 người châu Âu, một người Mỹ, một người đến từ Trung Đông và một người Malaysia. Các đối tượng bị Đơn vị Chống khủng bố chi nhánh đặc biệt trực thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia bắt giữ trong các cuộc truy quét đồng thời diễn ra tại bang Perlis, Johor và thủ đô Kuala Lumpur hôm 24-9.
Điều tra ban đầu cho thấy các giáo viên và sinh viên nước ngoài của trung tâm tôn giáo nói trên có liên hệ với trường Syeikh Muqbil ở Yemen, vốn được một đối tượng cực đoan thánh chiến thành lập. Các thành viên trường này ủng hộ việc sát hại những người không theo đạo Hồi và kể cả những người Hồi giáo không phù hợp với tư tưởng của chúng. Các nhà điều tra cũng cho hay, các đối tượng người châu Âu và Mỹ đều là thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hoặc các nhóm khủng bố khác tại quê hương của chúng. Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát Malaysia, các vụ bắt giữ nói trên nhằm ngăn chặn tư tưởng thánh chiến lan truyền tại Malaysia. Đây cũng không phải lần đầu tiên các phần tử nước ngoài ủng hộ thánh chiến sử dụng Malaysia làm cơ sở để tuyên truyền tư tưởng của chúng và tuyển mộ người ủng hộ. Từ năm 1985, Malaysia đã triệt phá một số trung tâm tôn giáo theo tư tưởng này.
 |
Lực lượng đặc nhiệm luyện tập phương án giải cứu con tin bị khủng bố bắt cóc. Ảnh: Foxtrot Alpha.
|
Vụ việc này một lần nữa khẳng định bóng ma khủng bố, tư tưởng cực đoan hiện hữu rõ rệt tại Đông Nam Á. Trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và đối tác đối thoại (ADMM+) cách đây một năm, tại Philippines, lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva rất lo ngại về nguy cơ gia tăng mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á. Bộ trưởng Shoigu chỉ rõ một trong những âm mưu của IS là chuyển trung tâm hoạt động từ Trung Đông sang Đông Nam Á.
Mới đây tờ "Straitstimes" (Singapore) cũng đăng bài phân tích của hai chuyên gia - Tiến sĩ Audrey Kurth Cronin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ và Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (CNAS) nhận định rằng, tư tưởng cực đoan và khủng bố đang gia tăng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung khi IS và một số tổ chức khủng bố khác tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Philippines...
Lây lan tư tưởng thánh chiến cực đoan nhờ "thế giới ảo"
Trong hơn chục năm qua, nhiều tổ chức khủng bố lớn được tổ chức quy mô, bài bản như Al-Qaeda, IS đã và đang dần bị tiêu diệt, thu hẹp phạm vi hoạt động. Thế nhưng, cho dù nỗ lực thế nào, nếu không “triệt tận gốc” tư tưởng thánh chiến cực đoan, chủ nghĩa khủng bố diệt chỗ này, sẽ lại mọc chỗ khác. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, tư tưởng Hồi giáo cực đoan lại càng phát triển và lây lan với tốc độ chóng mặt.
 |
Vẫn còn rất nhiều nhóm khủng bố tồn tại trên thế giới. Ảnh: Medium.
|
Theo trang tin của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI) các chiến binh quốc tế từ khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có cả các nước châu Âu, dưới danh nghĩa thánh chiến, đã trực tiếp tham gia chiến sự tại các khu vực nóng ở nước ngoài như Syria, Indonesia, Philippines, Afghanistan, Bosnia và Iraq... Câu hỏi đặt ra là tại sao ở những nước văn minh như châu Âu, tư tưởng Hồi giáo cực đoan vẫn có thể lan truyền một cách nhanh chóng như vậy? Báo Le Figaro số ra gần đây trích dẫn một báo cáo của Viện nghiên cứu Montaigne (Pháp) trong đó khẳng định: Tư tưởng Hồi giáo cực đoan được lan truyền nhanh tới mức báo động chính là nhờ internet và các mạng xã hội lớn.
Lấy ví dụ tại Pháp. Trong thời điểm khủng hoảng của các đảng phái chính trị và các lý tưởng, một ý thức hệ tại Pháp đã thu hút lượng tín đồ tăng đến 900% chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Các chuyên gia tại các cơ quan tình báo Pháp nhận định, tư tưởng cực thánh chiến đoan ngày càng lan rộng. Theo báo cáo của Viện Montaigne, một trong những chìa khóa thành công của tư tưởng thánh chiến cực đoan là việc sử dụng thành công "thế giới ảo". Các “nhà truyền giáo” dựa vào Internet và các mạng xã hội để truyền bá tư tưởng khủng bố, thánh chiến.
Tạo môi trường để tư tưởng tiến bộ chiến thắng tư tưởng cực đoan
Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã thực sự trở thành mối nguy hiểm hiện hữu và dai dẳng không riêng ở châu lục nào. Liệu mối nguy hiểm đó có khả năng chấm dứt hay tiếp tục lan rộng? Thế giới cần có những phương tiện nào để đấu tranh chống khủng bố một cách hiệu quả? Châu Âu, Đông Nam Á hay châu Phi có thể học tập được gì từ những hình mẫu trong cuộc chiến chống khủng bố? Những câu hỏi này càng trở nên bức thiết khi lời tiên đoán khủng khiếp của những nhà nghiên cứu về cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên phạm vi toàn thế giới.
Tạp chí The Washington Post đã phân tích luận điểm của nhà nghiên cứu Na Uy Thomas Hegghammer cho rằng, tình hình khủng bố có xu hướng nghiêm trọng hơn trong tương lai. Nhìn vào thực tế tại các chiến trường chống khủng bố chủ chốt có thể thấy rõ, sớm hay muộn IS sẽ bị đánh bại. Nhưng một khi IS bị tiêu diệt, một phong trào khác chắc chắn sẽ xuất hiện và chúng ta không nên quên rằng al-Qaeda vẫn tồn tại...Do vậy, vấn đề không nằm ở các khía cạnh kinh tế-xã hội (cho dù chúng có tầm quan trọng), cũng không phải chủ nghĩa khủng bố (một phương thức tác chiến giống như một phương thức tác chiến khác) hay tổ chức khủng bố, mà là "hệ tư tưởng".
Chẳng hạn thuyết Wahhabi, thuyết Salafi thánh chiến, nói gọn là thuyết Hồi giáo chinh phục và chính trị ngày càng khó bị đánh bại...Do đó, chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố không chỉ bằng vũ lực và quyết tâm, mà còn bằng trí tuệ.
Trong khi đó, chuyên gia điều phối viên của Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Indonesia (Lesperssi) Beni Sukadis nhận định rằng giáo dục tư tưởng là điểm mấu chốt chống khủng bố. Theo ông Sukadis, tư tưởng cực đoan đã thấm sâu vào các đối tượng tấn công khủng bố và không dễ ngăn chặn được các đối tượng này. Tuy nhiên, ông Sukadis cho rằng mặc dù không thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng cực đoan này, nhưng có thể giảm thiểu bằng các biện pháp kinh tế xã hội, giáo dục, tuyên truyền rộng rãi…Chuyên gia này cho rằng Indonesia cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào kinh tế-xã hội, giáo dục đào tạo, truyền thông, các lực lượng làm công tác đấu tranh chống khủng bố.
Một trong các giải pháp này là phương pháp giáo dục trẻ em trong các gia đình, điều này thể hiện vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh, hàng xóm, cộng đồng… và đặc biệt là ở các trường học. Ngoài ra, ông Sukadis cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ Indonesia ban hành Luật chống khủng bố, theo đó, quân đội sẽ cùng với lực lượng cảnh sát hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống khủng bố vốn đang rất phức tạp. Bên cạnh đó, chuyên gia của Lesperssi này cho rằng Chính phủ Indonesia cần hợp tác với chính phủ các quốc gia thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi khủng bố thực sự đã trở thành vấn đề của khu vực, có liên quan đến nhiều quốc gia ASEAN trong đó có các cơ quan xuất nhập cảnh, lực lượng chống khủng bố.
 |
Thủ đoạn của khủng bố ngày càng tinh vi và tàn bạo. Ảnh: VICE News.
|
Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn. Các quốc gia cần phối hợp giữa những biện pháp mạnh và hài hòa với các chính sách về an sinh xã hội, tôn giáo. Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á là chú trọng hành động để giải quyết tình trạng nghèo đói, buôn bán ma túy, tội phạm và bất công xã hội. Bên cạnh đó là ngăn chặn dòng tài trợ khủng bố, tăng cường chia sẻ tình báo, và ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung trực tuyến có liên quan đến khủng bố.
Ngoài ra, cuộc chiến này cũng cần sự vào cuộc của các trang mạng xã hội. Việc làm mới đây của trang mạng xã hội khi tích cực tham gia vào cuộc chiến chống tư tưởng cực đoan đã nhân được sự hoan nghênh từ nhiều quốc gia khi dỡ bỏ hàng triệu nội dung cực đoan, tuyên truyền cho các tổ chức khủng bố.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài các biện pháp như đã phân tích ở trên, trong lúc chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn tư tưởng thánh chiến cực đoan, điều quan trọng là kiên trì tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp, lứa tuổi hiểu rõ tác hại, từ đó tự nguyện không ủng hộ tư tưởng cực đoan, làm cho tư tưởng này “chết ngay từ trong trứng nước”.
NGUYỄN HÒA