Nội dung diễn tập này dựa trên kịch bản về một trận động đất có độ lớn lên tới 9,1 độ Richter xảy ra tại khu vực rãnh Nankai, ngoài khơi tỉnh Wakayama ở phía Tây Nhật Bản. Theo mô phỏng, trận động đất làm rung chuyển nhiều địa phương ở phía Tây và Đông của nước này, khiến Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) phải ban bố cảnh báo về sóng thần.

“Chúng ta sẽ dành toàn bộ sức lực cho các biện pháp phòng, chống thiên tai, trong đó, việc cứu tính mạng người dân là trên hết”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn cấp được tổ chức tại Văn phòng Thủ tướng trong khuôn khổ diễn tập.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (thứ 2, từ trái sang) thị sát cuộc diễn tập ứng phó với động đất ngày 1-9. Ảnh: Kyodo News

Tại diễn tập, ngay sau khi động đất xảy ra, Thủ tướng Kishida triệu tập các bộ trưởng ở Văn phòng Thủ tướng để tham gia cuộc họp nội các bất thường nhằm xác định mức độ thiệt hại và thảo luận phương án ứng phó. Đặc biệt, các bộ trưởng đã đi bộ đến phòng họp từ nơi ở hoặc văn phòng của mình với giả định rằng họ sẽ không được tiếp cận với ô tô hoặc phương tiện giao thông công cộng.

Tại đây, các bộ trưởng cũng trao đổi trực tuyến với quan chức tỉnh Aichi-nơi bị cho là phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, xem xét các hình thức hỗ trợ cần thiết và bàn bạc biện pháp điều phối hoạt động ứng phó với thảm họa. Sau cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục tổ chức họp báo công bố mức độ thảm họa đã được cơ quan chức năng xác nhận, các biện pháp ứng phó của chính phủ và kêu gọi sự hợp tác của người dân, rồi trực tiếp đi thị sát các bộ phận liên quan thực hiện cuộc diễn tập.

Mặt khác, cũng tại diễn tập, JMA đã thông tin về khả năng xảy ra động đất ở rãnh Nankai trong tương lai, qua đó kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân cần cảnh giác trước các trận động đất mạnh khi lần đầu tiên sử dụng cụm từ “cảnh báo động đất mạnh”.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, cứ 100 đến 200 năm lại xảy ra các trận động đất với độ lớn từ 8 độ Richter trở lên tại khu vực này. Thậm chí, Ủy ban điều tra động đất thuộc Chính phủ Nhật Bản từng công bố xác suất 6-26% xảy ra một trận siêu động đất ở đâu đó dọc rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới và có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Lâu nay, Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia thường xuyên bị động đất, đôi khi các cơn địa chấn gây ra sóng thần có sức tàn phá nghiêm trọng. Theo ước tính, xứ sở mặt trời mọc và các khu vực xung quanh nước này ghi nhận trung bình mỗi năm khoảng 100.000 trận động đất và dư chấn, trong đó, gần 1.500 trận động đất có mức độ đủ lớn để con người cảm nhận được.

Hẳn người dân Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế vẫn chưa quên được “thảm họa kép” động đất-sóng thần kinh hoàng vào tháng 3-2011 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của đối với Nhật Bản, đặc biệt là các sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO). Sau thảm họa trên, Chính phủ Nhật Bản đã nghiêm túc xem xét lại công tác quản lý thiên tai của nước này.

Tới nay, trận động đất gây thiệt hại về người lớn nhất tại Nhật Bản được ghi nhận là vào ngày 1-9-1923. Theo đó, đại thảm họa động đất Kanto có độ lớn 7,9 độ Richter xảy ra tại Tokyo và thành phố cảng lân cận Yokohama đã khiến hơn 105.000 người thiệt mạng.

Năm 1960, Chính phủ Nhật Bản quyết định lấy ngày 1-9 hằng năm là Ngày phòng, chống thiên tai. Vào ngày này, nhiều chính quyền địa phương, trường học và các cơ sở kinh tế-xã hội trên khắp Nhật Bản cũng tổ chức những cuộc diễn tập nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với động đất cho người dân.

KHÁNH NGÂN