Trận Stalingrad đã cho cả thế giới thấy chủ nghĩa anh hùng quật cường và lòng dũng cảm vô song của nhân dân Liên Xô. Đây là trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc chiến. Đóng góp không nhỏ vào thắng lợi này là chiến công oanh liệt của những người lính anh hùng.

Maxim Passar

Maxim Passar là một xạ thủ bắn tỉa người dân tộc Nanai ở vùng Siberia thuộc Nga. Họ của anh theo ngôn ngữ dân tộc này có nghĩa là “mắt sắc”. Trước chiến tranh, Maxim làm công việc của một người thợ săn. Ngay sau khi Đức Quốc xã mở cuộc tấn công Liên Xô, anh đã xung phong làm lính tình nguyện và đi học tại một trường đào tạo bắn tỉa. Sau khi tốt nghiệp, anh gia nhập Trung đoàn 117 của Sư đoàn bộ binh số 23 thuộc Tập đoàn quân số 21. Từ ngày 10-11-1942, đơn vị này được đổi tên thành Binh đoàn số 65, Sư đoàn Cận vệ số 71.

 Xạ thủ bắn tỉa Maxim Passar.

Tiếng tăm về tay súng thiện xạ Maxim Passar, người có khả năng đặc biệt nhìn thấy cả trong bóng tối và ban ngày, ngay lập tức lan truyền khắp Trung đoàn, rồi sau đó tiếp tục được biết đến cả ngoài mặt trận. Đến tháng 10-1942, anh được công nhận là xạ thủ bắn tỉa giỏi nhất trên mặt trận Stalingrad, cũng như xếp vị trí 8 trong danh sách những lính bắn tỉa xuất sắc nhất của Hồng quân Liên Xô.

Tính đến thời điểm Maxim Passar qua đời, anh đã tiêu diệt tổng cộng 234 tên lính phát xít. Quân Đức khiếp sợ trước khả năng bắn súng của xạ thủ người dân tộc Nanai này, gọi anh là “ác quỷ đến từ tổ quỷ”. Chúng thậm chí còn phát hành những tờ truyền đơn đặc biệt dành riêng cho anh với lời đề nghị đầu hàng.

Maxim Passar hy sinh ngày 22-1-1943. Ngay trước lúc qua đời, anh đã kịp hạ gục thêm hai tay súng bắn tỉa của quân địch. Người lính bắn tỉa xuất sắc này hai lần được trao tặng Huân chương Sao Đỏ của Liên Xô, nhưng đến năm 2010 anh mới được truy phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Yakov Pavlov

Trung sĩ Yakov Pavlov là người duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì bảo vệ một ngôi nhà. Tối ngày 27-9-1942, anh được Đại đội trưởng, Trung úy Naumov giao nhiệm vụ đi thăm dò tình hình tại một tòa nhà 4 tầng ở trung tâm thành phố, nơi có vị trí chiến thuật quan trọng. Tòa nhà này đã đi vào lịch sử trong trận chiến Stalingrad với tên gọi là “Ngôi nhà Pavlov”.

Trung sĩ Yakov Pavlov và ngôi nhà mang tên anh sau khi giành lại được từ quân phát xít Đức. 

Đi cùng Trung sĩ Yakov Pavlov có ba chiến sĩ nữa là Chernogolov, Glushchenko và Aleksandrov. Họ đã đánh bật những tên lính Đức và giành lại được tòa nhà. Ngay sau đó, nhóm nhận được quân tiếp viện, đạn dược và đường dây điện thoại liên lạc. Quân phát xít liên tục tấn công hòng phá hủy tòa nhà bằng pháo kích và bom từ máy bay. Khéo léo di chuyển lực lượng với chỉ ít người, Pavlov đã tránh được những tổn thất nặng nề và đã bảo vệ ngôi nhà trong 58 ngày đêm, ngăn không cho kẻ địch tiến đến khu vực sông Volga.

Lyusya Radyno

Trong trận Stalingrad, không những người lớn mà cả trẻ em cũng thể hiện lòng dũng cảm vô song. Một trong những nữ Anh hùng Stalingrad là cô bé 12 tuổi Lyusya Radyno. Cô chuyển đến Stalingrad sau khi được sơ tán khỏi thành phố Leningrad (nay là Saint-Petersburg). Vào ngày nọ, có một sĩ quan đến trại trẻ mồ côi nơi cưu mang cô bé và nói rằng, hiện đang có một đợt tuyển dụng những trinh sát trẻ làm công tác thu thập thông tin có giá trị sau chiến tuyến. Vậy là Lyusya ngay lập tức xung phong đi hỗ trợ.

Nữ Anh hùng Lyusya Radyno. 

Ngay trong lần đầu thâm nhập vào hậu phương kẻ địch, Lyusya đã bị quân Đức bắt giữ. Cô nói với chúng là đang đi ra cánh đồng để cùng những đứa trẻ khác trồng rau chống đói. Chúng tin lời cô, nhưng sau đó đưa cô vào bếp để gọt khoai tây. Lyusya nhận thấy rằng, cô có thể tính được số lính Đức tại đây chỉ bằng cách đếm lượng khoai tây đã gọt vỏ. Cuối cùng, Lyusya không những nắm được thông tin, mà còn trốn thoát được.

Lyusya có 7 lần vượt ra ngoài chiến tuyến sang tiếp cận kẻ địch mà không mắc một sai sót nào. Bộ chỉ huy đã trao tặng cho Lyusya Radyno Huy chương “Vì lòng dũng cảm” và Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Stalingrad”.

Sau chiến tranh, cô gái trở về Leningrad, tốt nghiệp đại học rồi lập gia đình, làm việc tại một trường học trong nhiều năm và là giáo viên tiểu học tại Trường Grodno số 17. Học sinh biết đến cô với cái tên mới là Lyudmila Vladimirovna Beschastnova.

Vasily Zaitsev

Trong trận quyết đấu Stalingrad, suốt một tháng rưỡi, xạ thủ bắn tỉa huyền thoại trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại Vasily Zaitsev đã tiêu diệt hơn 200 binh lính và sĩ quan Đức Quốc xã, trong đó có 11 tay súng bắn tỉa.

Ngay từ những lần đầu tiên chạm trán với kẻ địch, Vasily đã chứng tỏ mình là một xạ thủ siêu phàm. Chỉ sử dụng súng trường Mosin, anh đã khéo léo tiêu diệt những tên lính địch. Những lời khuyên dạy của ông nội về cách săn bắn đã trở nên rất hữu ích cho anh trong chiến tranh. Sau này Vasily cho rằng, một trong những phẩm chất chính của người lính bắn tỉa là kỹ năng ngụy trang và tàng hình. Phẩm chất này là rất cần thiết đối với bất kỳ thợ săn giỏi nào.

Vasily Zaitsev, xạ thủ bắn tỉa huyền thoại trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 

Chỉ một tháng sau, với lòng nhiệt thành trong chiến đấu, Vasily Zaitsev đã được trao tặng Huy chương “Vì lòng dũng cảm” cùng một khẩu súng bắn tỉa. Tính đến thời điểm này, anh đã loại khỏi vòng chiến đấu 32 tên lính địch.

Vasily không những thiện xạ về bắn súng, mà còn chỉ huy tốt một đội bắn tỉa. Anh đã thu thập không ít tài liệu giảng dạy về môn học này, để về sau viết được hai cuốn sách giáo khoa dành cho lính bắn tỉa. Với kỹ năng chiến đấu và lòng dũng cảm của mình, Vasily Zaitsev đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, tặng thưởng Huân chương Lenin và Huy chương Sao Vàng. Sau khi bình phục vết thương khiến suýt mất thị lực, anh đã trở lại mặt trận và đón mừng Chiến thắng phát xít Đức với quân hàm Đại úy.

Ruben Ibarruri

Khẩu hiệu “No pasaran!” (có nghĩa là “Họ sẽ không vượt qua!”) được nữ chiến sĩ Cộng sản Tây Ban Nha Dolores Ibarruri Gomez tuyên bố ngày 18-7-1936. Bà cũng sở hữu câu khẩu hiệu nổi tiếng “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”. Năm 1939, bà đã phải di cư sang Liên Xô. Người con trai duy nhất của bà là Ruben Ibarruri cũng đã đến Liên Xô trước đó vào năm 1935, khi bà Dolores bị bắt giữ, còn anh Ruben thì được gia đình Lepeshinsky che chở.

Trung úy Ruben Ibarruri. 

Ruben đã gia nhập Hồng quân Liên Xô ngay từ những ngày đầu cuộc chiến. Vì sự anh dũng trong trận chiến giành cây cầu trên sông Berezina ở ngoại ô thành phố Borisov (Belarus), anh đã được Liên Xô trao tặng Huân chương Cờ Đỏ.

Mùa hè năm 1942, trong trận Stalingrad, Trung úy Ruben Ibarruri chỉ huy một đại đội súng máy. Ngày 23-8, đại đội của anh cùng với một tiểu đoàn bộ binh đã ngăn chặn bước tiến của nhóm xe tăng Đức tại nhà ga đường sắt Kotluban.

Sau khi tiểu đoàn trưởng hy sinh, Trung úy Ruben Ibarruri nắm quyền chỉ huy, cùng tiểu đoàn mở cuộc phản công và đã giành thắng lợi, buộc quân địch phải tháo chạy. Tuy nhiên, bản thân anh đã bị thương trong trận đánh này, được đưa đến bệnh viện bên tả ngạn ở thành phố Leninsk và sau đó qua đời ngày 4-9-1942. Ruben Ibarurri được chôn cất tại Leninsk, nhưng về sau được cải táng trên Con đường Anh hùng ở trung tâm thành phố Volgograd.

Danh hiệu Anh hùng đã được truy phong cho Trung úy Ruben Ibarurri năm 1956. Bà Dolores Ibarruri Gomez cũng đã nhiều lần đến viếng mộ con trai mình ở Volgograd.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)