Theo South China Morning Post, trong nhiều năm qua, gánh nặng học tập của học sinh Trung Quốc không ngừng tăng lên khiến các vấn đề tâm lý ở trẻ vị thành niên đang có dấu hiệu gia tăng, trở thành bài toán nan giải đối với ngành giáo dục. Cô giáo Bai, người đã sáng tạo ra chiếc hộp bí mật, cho biết, những dòng cảm xúc được bỏ vào trong hộp đa số là các vấn đề phổ biến trong xã hội hiện nay. Đó có thể là bạo lực học đường, áp lực học hành hay những nỗi niềm của con trẻ khi sống trong gia đình thiếu tình thương, sự quan tâm của bố mẹ.
    |
 |
Một lớp học tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Đã có học sinh viết rằng: “Bố mẹ con luôn cãi nhau vì tiền”. Một bé khác thì chia sẻ: “Bố mẹ con cãi nhau. Bố mẹ quyết định ly hôn và giành quyền nuôi em trai 3 tuổi. Bố giành được quyền nuôi em nên mẹ con khóc suốt ngày”. Cũng có em tâm sự rằng bố mẹ đi làm ở thành phố và không thường xuyên về nhà. Gia đình em rất nghèo và em luôn sợ mình làm việc gì sai trái. Nhiều em khác lại phàn nàn bố mẹ gây áp lực, thúc ép học hành quá mức và không tôn trọng quyền riêng tư của con.
Sau khi nhận được sự đồng ý của học sinh, cô Bai quyết định công khai một số đoạn viết ẩn danh này lên mạng xã hội, kêu gọi sự chung tay vào cuộc của gia đình và nhà trường trong việc hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn về mặt tâm lý, tình cảm, hướng các em đến một cuộc sống lành mạnh, an toàn.
Những mẩu giấy ghi lại tâm sự của nhóm học sinh đã khiến cộng đồng mạng xôn xao, đồng thời cũng buộc các bậc phụ huynh phải nhìn nhận lại bản thân để thấy rõ sự quan tâm họ dành cho con cái đã đúng cách chưa, bản thân cần phải điều chỉnh ra sao. Nhiều người tỏ ra ủng hộ và đề cao sáng kiến của cô giáo Bai, cho rằng mô hình này nên được nhân rộng trong các trường học. “Tôi hy vọng các bậc cha mẹ sẽ đọc những ghi chú này và học cách trở thành cha mẹ tốt”, một cư dân mạng Trung Quốc cho biết.
Xã hội càng phát triển, áp lực từ việc phải không ngừng học tập để bắt kịp thời đại càng cao. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực do sự non nớt trong nhận thức. Sự tích tụ kéo dài những cảm xúc, ức chế bị dồn nén do buồn chán trước mâu thuẫn trong gia đình, do áp lực học hành hoặc do có bất hòa trong mối quan hệ bạn bè có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng trầm cảm tuổi học đường. Những cử chỉ động viên, cảm thông đúng mực từ bố mẹ, sự chia sẻ từ bạn bè, thầy cô là “viên thuốc” tốt nhất để phòng ngừa điều đáng tiếc xảy ra.
Nhưng để tạo ra “viên thuốc” này, điều quan trọng là phải bắt đúng bệnh, nghĩa là hiểu được tâm lý của trẻ, nắm được nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy chán nản, bế tắc. Nhiều trường hợp cho thấy, tư vấn tâm lý kịp thời đã tạo ra những kết quả khác biệt rất nhiều đối với những em bị vấn đề về tâm lý. Chu Zhao Hui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc lưu ý các trường học nên thiết lập một hệ thống giáo dục tâm lý và ngăn ngừa tự tử cũng như nỗ lực giảm áp lực học tập.
Sức khỏe tâm thần tốt góp phần tạo nên sức khỏe thể chất tốt, tác động mạnh mẽ đến hạnh phúc của từng cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội. Do vậy, chăm sóc sức khỏe tâm thần là một chủ đề cần được quan tâm thỏa đáng, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
BẢO CHÂU