Theo AFP, tính đến ngày 1-1, 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đã ghi nhận 100.074.753 ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu cuối năm 2019, tương đương hơn 1/3 trong tổng số 288.279.803 ca nhiễm trên toàn thế giới. Chỉ riêng 7 ngày qua, châu Âu đã báo cáo hơn 4,9 triệu ca nhiễm, với 17 trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ vượt kỷ lục trước đó về số ca nhiễm cao nhất.

Riêng Pháp đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua, tương đương 10% tổng số ca mắc Covid-19 mà nước này đã công bố kể từ đầu đại dịch. Các nước có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên 100.000 dân cao nhất thế giới cũng ở châu Âu. Trong đó, Đan Mạch có tỷ lệ cao nhất với 2.045 ca, tiếp theo là Cyprus và Ireland lần lượt 1.969 và 1.964 ca.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Paris (Pháp). Ảnh: Reuters 

Theo Reuters, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khẳng định khả năng áp dụng lại các quy định giới hạn trong phòng, chống dịch là “lựa chọn cuối cùng”, đồng thời cho rằng nước này phải cố gắng sống chung với Covid-19. Ông Sajid Javid nhấn mạnh, nước Anh đang bắt đầu một năm mới với vị thế mạnh mẽ hơn nhiều so với 12 tháng trước đó nhờ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao. 

Trong khi đó, tại Pháp, nhằm hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế, nhà chức trách nước này đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với những người nhiễm Covid-19 đã tiêm đủ liều vaccine từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết thêm, số ngày cách ly sẽ giảm xuống còn 5 ngày trong trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 10 ngày nếu nhiễm virus và có thể hết cách ly sau 7 ngày nếu có kết quả âm tính. Trước đó, trong thông điệp mừng năm mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo tình hình dịch bệnh trong vài tuần tới tại nước này sẽ rất khó khăn. Pháp sẽ cẩn trọng, song không vội vàng áp đặt các biện pháp hạn chế mới.

Các nước khu vực châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức trước làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Biến thể này được Nam Phi công bố đầu tiên vào ngày 24-11. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào danh sách các biến thể đáng lo ngại. Giới khoa học đánh giá Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác.

Mặc dù số ca nhiễm tăng chóng mặt nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở châu Âu đang có xu hướng giảm. Tuần qua, khu vực này ghi nhận trung bình 3.413 trường hợp tử vong mỗi ngày, giảm 7% so với tuần trước. Con số tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở châu Âu là trung bình 5.735 ca tử vong mỗi ngày hồi tháng 1-2021. Điều này được cho là do biến thể Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở châu Âu giảm cũng bởi vì khu vực này đã tiêm vaccine cho phần lớn người dân. Theo số liệu trên trang Our World in Data, châu Âu có tỷ lệ tiêm vaccine trung bình cao nhất trên thế giới với 65% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi và 61% đã tiêm hai mũi, so với mức trung bình tương ứng của thế giới lần lượt là 58% và 49%.

LÂM ANH