Bước ngoặt quyết định

Sau hai năm đàm phán khó khăn, tại Hội nghị cấp cao của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) diễn ra mới đây ở thành phố Seville của Tây Ban Nha, Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Phó thủ tướng Đức Robert Habeck đã ký thỏa thuận nhằm khởi động lại ngành vũ trụ của Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy việc xây dựng các bệ phóng, sân bay vũ trụ và tàu vũ trụ của EU.

Phát biểu bên lề hội nghị, Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là thành công lớn và là bước ngoặt quyết định trong lịch sử vũ trụ châu Âu”. Còn Bộ trưởng Urso đánh giá thỏa thuận trên là “một bước nhảy vọt về chất sẽ có tác động đến các lĩnh vực chiến lược khác, là sự thành công của định dạng 3 bên và có thể mở đường cho sự hội tụ rộng rãi hơn của các chính sách công nghiệp quốc phòng”.

Thỏa thuận này được đưa ra vào thời điểm không gian châu Âu đang gặp khó khăn lớn: Dự án phát triển tên lửa Ariane 6 bị trễ 4 năm; dự án phát triển tên lửa Vega-C của ESA gặp thất bại đầu tiên trong lần phóng thương mại vào tháng 12-2022; xung đột ở Ukraine làm “đóng băng” mọi hoạt động hợp tác trong lĩnh vực không gian với Nga. Những khó khăn trên khiến châu Âu mất toàn bộ quyền tự chủ tiếp cận không gian kể từ tháng 2-2022.

Bên cạnh đó, ngành vũ trụ của châu Âu còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, không chỉ từ Mỹ mà còn từ những nước khác có ngành vũ trụ mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này như SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

leftcenterrightdel
Tên lửa Ariane 6 tại bệ phóng Kourou ở Trung tâm Vũ trụ Guiana vào tháng 6-2023. Ảnh: AFP 

Ba nội dung quan trọng của một thỏa thuận

Thỏa thuận “tay ba” mới đạt được trên gồm 3 nội dung quan trọng đối với ngành vũ trụ của châu Âu. Trước hết, dự án phát triển tên lửa Ariane 6 sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 340 triệu euro (tương đương 365 triệu USD) để đổi lấy việc giảm giá công nghiệp khoảng 11%. Trong số đó, Pháp đóng góp 55% tổng số tiền hỗ trợ, Đức khoảng 20% và phần còn lại sẽ được phân phối cho Italy, Tây Ban Nha và Bỉ. Dự án Ariane 6 dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong năm 2024. Ngoài tài chính, sự cân bằng kinh tế của dự án Ariane 6 còn dựa trên số lần phóng tên lửa. Theo đó, thỏa thuận cho phép EU tiến hành 4 vụ phóng tên lửa Ariane 6 mỗi năm từ nay đến năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc EU có thể thực hiện 42 vụ phóng tên lửa so với 27 vụ trong cam kết trước đây.

Ngoài ra, thỏa thuận giữa Pháp, Đức và Italy cũng mở đường để cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 21 triệu euro cho dự án phát triển tên lửa Vega-C của ESA. Việc hỗ trợ tài chính cho Vega-C sẽ bắt đầu từ năm 2026. Thỏa thuận này cũng bảo đảm mỗi năm tiến hành 3 vụ phóng tên lửa Vega-C. 

Nội dung thứ hai của thỏa thuận xác nhận nguyên tắc cạnh tranh của châu Âu về các bệ phóng mới, đặc biệt là các bệ phóng mini. Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử không gian châu Âu. Như vậy, việc lựa chọn các bệ phóng trong tương lai sẽ được thực hiện trên cơ sở cạnh tranh giữa các dự án. Lựa chọn này phù hợp với quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong quá trình khởi động kế hoạch đầu tư vào Pháp đến năm 2030, trong đó cung cấp gói đầu tư trị giá 1,5 tỷ euro dành riêng cho lĩnh vực không gian.

Tham vọng không gian của châu Âu không chỉ giới hạn ở các bệ phóng và vệ tinh mà còn nhằm mục đích duy trì vị thế cường quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Pháp, Đức và Italy mong muốn tham gia và chuẩn bị cho các giai đoạn tương lai của hoạt động thám hiểm mặt trăng và sao hỏa bằng robot và có người lái.

Điểm cuối cùng của thỏa thuận khẳng định vai trò của Trung tâm Vũ trụ Guiana như một sân bay vũ trụ đẳng cấp thế giới, không chỉ đối với tên lửa Ariane 6 mà còn đối với Vega-C, đồng thời các bệ phóng mới có thể được phát triển tại đây. Châu Âu mong muốn duy trì tham vọng khám phá không gian với chương trình cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách vào quỹ đạo thấp trong tương lai.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.