Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC nói rằng nếu giảm hệ thống sưởi ở châu Âu xuống 2 độ, hoặc sử dụng điều hòa ít hơn sẽ bù đắp cho toàn bộ việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống dẫn khí Nord Stream (dòng chảy phương Bắc).
Brussels đã có các kế hoạch khẩn cấp để giảm thiểu tác động từ sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, song tình hình vẫn đang rất khó khăn. Theo Giám đốc điều hành công ty điện lực lớn nhất nước Đức RWE Markus Krebber, châu Âu có rất ít thời gian để lên kế hoạch.
 |
Tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom đã giảm 60% lưu lượng qua đường ống Nord Stream do các vấn đề kỹ thuật. (Ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Hiện một số nước như Đức, Italy, Thụy Sĩ, Đan Mạch và một số nước khác bắt đầu kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng phó khủng hoảng khí đốt. Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur của Đức vừa phác thảo chi tiết về hệ thống đấu giá mới sẽ bắt đầu áp dụng trong những tuần tới nhằm khích lệ các nhà sản xuất tiêu thụ ít khí đốt hơn.
Người đứng đầu Bundesnetzagentur tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng cung cấp khí đốt hiện tại có thể giúp đất nước vượt qua mùa đông. Chính phủ Italy cũng công bố các biện pháp ban đầu để tăng cường dự trữ khí đốt, sau khi công ty năng lượng Eni báo cáo dòng chảy từ Nga bị thiếu hụt trong hơn một tuần. Nước này có kế hoạch mua than nếu cần sử dụng các nhà máy nhiệt điện nhằm tiết kiệm khí đốt.
Ngay cả nước tiêu thụ nhỏ như Thụy Điển cũng đã khởi động giai đoạn đầu của kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng. Đan Mạch đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp hồi đầu tuần. Các quốc gia khác như Áo, Hà Lan cũng có động thái tương tự.
Phản ứng đồng loạt trên của các nước châu Âu xuất hiện sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây đã giảm 60% lưu lượng qua đường ống Nord Stream do các vấn đề kỹ thuật. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vấn đề bảo trì khiến nguồn cung bị cắt giảm.
Nga cho biết không thể bảo đảm việc phục hồi những hư hỏng nên đã gửi các thiết bị tới Canada để sửa chữa, nhưng các thiết bị này đang bị mắc kẹt tại đây vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) được cung cấp từ Nga, riêng Đức phụ thuộc nguồn cung này tới 55%. Khí đốt của Nga hiện nay vẫn được bơm đến châu Âu nhưng tốc độ đã giảm đi. Đường ống Nord Stream 1-tuyến cung cấp quan trọng cho Đức-chỉ đang hoạt động với 40% công suất.
Nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung qua đường ống từ các nhà sản xuất như Na Uy, Azerbaijan và đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hầu hết những đường ống từ các nhà sản xuất này đều không còn khả năng mở rộng công suất. Na Uy đã không thể đáp ứng nhu cầu của châu Âu trong suốt năm 2021 do các mỏ ở Biển Bắc trong tình trạng bảo trì sau những đình trệ do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng cần mất nhiều thời gian và so với nhu cầu năng lượng lớn của châu Âu thì nguồn cung này cũng chẳng thấm vào đâu. Và trong trường hợp xấu nhất, các nước châu Âu đều đang trong trạng thái sẵn sàng chuẩn bị cho một mùa đông không có khí đốt sưởi ấm từ Nga.
Ông Markus Krebber lo ngại khả năng Nga sẽ cắt nguồn cung hoàn toàn và châu Âu sẽ phải phân phối lại khí đốt như thế nào trong trường hợp đó. Theo ông, điều đáng lo ngại là hiện không có kế hoạch ở cấp độ châu Âu vì mọi quốc gia đang xem xét kế hoạch khẩn cấp của riêng mình.
Báo The Guardian dẫn lời ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, việc cắt giảm nguồn cung trong những tuần gần đây của Nga có thể là sự khởi đầu của các đợt cắt giảm lớn hơn.
Trong khi chưa có giải pháp tối ưu, người đứng đầu IEA cho rằng châu Âu cần giữ cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động. Tuy nhiên, việc này cũng gặp trở ngại do loại bỏ dần dầu khí của Nga sẽ đồng nghĩa với việc cần đốt nhiều than hơn cho các nhà máy nhiệt điện và giữ cho các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động.
Trước mắt, các nước EU đều đang lo để làm đầy các kho lưu trữ, nhưng nỗ lực này càng khó khăn vì thiếu hụt nguồn cung từ Nga và giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đang giao dịch mức 127EUR/MWh, tăng hơn 300% so với năm trước.
Giới quan sát cho rằng các biện pháp khẩn cấp do các chính phủ châu Âu thực hiện để giảm nhu cầu năng lượng là chưa đủ mạnh và cách tốt nhất vẫn là các nước châu Âu cần nỗ lực giữ gìn những nguồn cung cấp năng lượng hiện có, tiết kiệm triệt để việc tiêu thụ năng lượng nhằm chuẩn bị cho một mùa đông hứa hẹn khác với các mùa đông trước đây vốn được sưởi ấm tốt.
XUÂN PHONG