Theo The New York Times, khi Ana Jimena Barba, một bác sĩ trẻ bắt đầu làm việc tại một bệnh viện ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào năm ngoái, cô quyết định chuyển đến sống cùng bố mẹ tại ngôi làng ngoại ô cho đến khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà riêng. Ngôi làng này cách Madrid 30 phút lái xe. Thế nhưng, khi cô bắt đầu đi tìm nhà trong làng, hầu hết đều có giá hơn 500.000 euro. Số tiền này cao hơn gần 20 lần so với mức lương trung bình hằng năm ở Tây Ban Nha. Đây cũng là số tiền tương đương với chi phí của “thị thực vàng” ở nước này, một chương trình cung cấp quyền cư trú cho những người nước ngoài giàu có mua bất động sản.

leftcenterrightdel
Một khu vực có giá nhà đắt đỏ ở Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: The New York Times 

Sau một thập kỷ, chương trình này đã thu hút hàng tỷ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha. “Tôi không đủ khả năng chi trả. Nếu người nước ngoài làm tăng giá bất động sản thì đối với những người sống ở đây như chúng tôi, đó là một sự bất công. Mua nhà chỉ là một giấc mơ”, bác sĩ Barba, người đã làm việc thêm 100 giờ mỗi tháng để tăng mức lương lên 1.900 euro, chia sẻ. Trước khi chuyển về làm việc ở Madrid và sống cùng bố mẹ, cô Barba từng thuê phòng ở Barcelona khi cô bắt đầu thực tập làm bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố. Thu nhập hằng tháng của cô đã bị “ăn mòn” bởi các chi phí sinh hoạt cơ bản bao gồm thực phẩm, tiền thuê nhà và đi lại.

Nhiều quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2012 để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách. Các quốc gia cần gói cứu trợ quốc tế, trong đó có Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đặc biệt có nhu cầu với tiền mặt để trả nợ. Họ đã coi  “thị thực vàng” là con đường thu hút các nhà đầu tư, đồng thời vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu. Tây Ban Nha đã cấp 14.576 thị thực cho những người giàu có đầu tư bất động sản trị giá hơn 500.000 euro ở nước này.

“Thị thực vàng” giúp những người bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng mua được quyền cư trú tạm thời. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và Trung Đông đổ xô mua bất động sản thông qua chương trình “thị thực vàng”. Trong những năm gần đây, sau khi Anh rời EU, người Anh cũng mua nhà ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Mỹ tìm đến “thị thực vàng” để tận hưởng lối sống mà họ không đủ khả năng chi trả tại các thành phố lớn ở Mỹ.

Dù vậy, các chương trình “thị thực vàng” hiện đang bị loại bỏ hoặc ngừng hoạt động trên khắp châu Âu khi chính phủ các nước tìm cách khắc phục thiệt hại cho thị trường nhà đất. Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các quan chức EU cảnh báo “thị thực vàng” có thể được sử dụng để rửa tiền, trốn thuế..., đồng thời kêu gọi chính phủ các nước chấm dứt chương trình này. Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng nhà ở, trong tháng 4 này, Tây Ban Nha đã thông báo chấm dứt “ thị thực vàng”. Bồ Đào Nha, quốc gia thu được hơn 5,8 tỷ euro đầu tư từ “thị thực vàng”, đã sửa đổi chương trình của mình vào tháng 10-2023 để loại bỏ bất động sản như một khoản đầu tư nhằm giảm đầu cơ và hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng. Dòng người nước ngoài tràn vào đã khiến hàng nghìn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon. Trong khi đó, Ireland đã đóng cửa chương trình “thị thực vàng” vào năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng nhà ở đang bao trùm châu Âu. Đối với người lao động có thu nhập khiêm tốn ở khu vực này, trong đó có cả bác sĩ, giáo viên và cảnh sát, giấc mơ mua nhà ngày càng nằm ngoài tầm với. Theo báo cáo do Viện Kinh tế Lao động (Đức) công bố hồi tháng 3 vừa qua, “thị thực vàng” đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia cung cấp chương trình này. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, chính phủ các nước cần phải đạt được “sự cân bằng mong manh” giữa việc thu được lợi ích kinh tế và phòng vệ trước những rủi ro tiềm ẩn.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.