Ông Satoshi Yamake, 59 tuổi, là một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay ngày hôm đó. Chia sẻ với phóng viên tờ The Japan Times, ông Satoshi cho biết, ngay khi máy bay đáp xuống đường băng, ông và nhiều hành khách bất ngờ nghe thấy âm thanh lạch cạch và một tiếng nổ lớn. “Khoang hành khách nhanh chóng chìm trong biển khói. Một số người lo lắng chạy dọc lối đi, trong khi những người khác ôm chặt các em nhỏ đang la hét vì hoảng sợ”, ông Satoshi nhớ lại.

Các tiếp viên nhanh chóng trấn an hành khách, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh và nói ”xin hãy hợp tác”, theo đoạn video được chia sẻ bởi Reuters. Một nữ tiếp viên trên chuyến bay sau đó kể lại rằng, vào thời điểm xảy ra sự cố, cô đã yêu cầu hành khách giữ bình tĩnh, sau đó nhanh chóng liên lạc với khoang điều khiển. Nhưng tình thế sau đó trở nên vô cùng nguy cấp khi ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Theo trang mạng ettoday.net, chiếc Airbus A350 có 8 lối thoát hiểm ở hai bên thân. Cơ trưởng khi đó cho phép mở hai lối thoát hiểm phía trước máy bay để sơ tán hành khách do 5 trong 8 lối thoát hiểm không bảo đảm an toàn, còn một cửa thoát hiểm phía sau bên trái không bị ngọn lửa đe dọa nhưng hệ thống liên lạc nội bộ bị hỏng nên các tiếp viên không thể yêu cầu cơ trưởng mở cửa.

Vụ tai nạn hàng không tại sân bay Haneda ở Tokyo, ngày 2-1. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ trong vòng 90 giây, các tiếp viên đã đưa ra quyết định quan trọng, theo đó từ bỏ việc chờ chỉ đạo từ cơ trưởng và chủ động mở cửa sơ tán hành khách. Họ nhanh chóng kích hoạt máng trượt khẩn cấp để hành khách rời khỏi máy bay. Quyết định này được coi là phù hợp với quy trình sơ tán tiêu chuẩn, bởi trong tình huống khẩn cấp, tiếp viên có thể lập tức kích hoạt cửa thoát hiểm và thực hiện sơ tán mà không cần chờ lệnh cơ trưởng. Để không gây cản trở cho việc sơ tán, các tiếp viên yêu cầu hành khách không dừng lại để lấy hành lý. Vì thế, chỉ trong vòng 18 phút, toàn bộ hành khách đã rời khỏi máy bay an toàn.

“Chúng tôi được yêu cầu giữ bình tĩnh và phải mất vài phút trước khi cửa máy bay mở ra mọi người mới được sơ tán. Chúng tôi tập trung ở một khu vực cách xa máy bay, được yêu cầu nắm tay nhau theo nhóm 10 người và ngồi xuống chờ đợi. Khoảng 10 phút sau khi rời khỏi máy bay, chiếc Airbus A350 phát nổ, lửa bốc lên dữ dội”, hành khách Tsubasa Sawada kể lại.

Hai ngày sau, JAL đã cung cấp thông tin chi tiết về vụ tai nạn. Theo đó, vụ việc xảy ra lúc 18 giờ, giờ Tokyo (tức 16 giờ, giờ Hà Nội) ngày 2-1, tại sân bay Haneda ở Tokyo. Chiếc Airbus A350 khi hạ cánh đã va chạm với một máy bay cỡ nhỏ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên đường băng. Cả 3 phi công của JAL đều khẳng định họ không nhìn thấy có máy bay phía trước trên đường băng khi điều khiển chiếc Airbus A350 hạ cánh. Các phi công không nhìn thấy máy bay khác “bằng mắt thường”, dù một người trong số họ nhận ra “vật thể gì đó” ngay trước va chạm. Sau cú va chạm, chiếc Airbus A350 trượt trên đường băng khoảng 1km rồi dừng lại, trước khi phát nổ. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên trên thế giới liên quan đến Airbus A350 kể từ khi máy bay này được đưa vào sử dụng từ năm 2015.

Nguyên nhân vụ tai nạn đến nay vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, việc toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thoát nạn trong gang tấc nhờ hành động quyết đoán của đội ngũ tiếp viên đã cho thấy tầm quan trọng của việc huấn luyện, diễn tập chặt chẽ của phi hành đoàn. Theo lãnh đạo của JAL, tất cả tiếp viên đều được đào tạo mỗi năm một lần về quy trình sơ tán, mô phỏng các tình huống khác nhau để nắm rõ phải làm gì khi không thể liên lạc với buồng lái. Bên cạnh đó, việc dòng máy bay A350 sử dụng “vật liệu nhẹ và có độ bền cao” đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe cũng một phần giúp hành khách có thêm thời gian để thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn.

 “Việc mọi người trên chuyến bay của Japan Airlines đều được sơ tán an toàn là một phép màu. Điều này không chỉ phản ánh những hành động phi thường của phi hành đoàn mà còn ở thái độ ứng xử và trật tự của chính hành khách vào giờ phút căng thẳng cực độ, trước khi chiếc máy bay khổng lồ chìm trong biển lửa”, Giáo sư khoa học hàng không vũ trụ Jeffrey Price tại Đại học Metropolitan, Denver, Mỹ nhận định như vậy trên Tạp chí Business Insider.

PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.