Theo cơ quan chức năng, các công ty trên đã làm sai lệch hồ sơ hoặc thao túng dữ liệu trong quá trình kiểm định chất lượng sản phẩm. Ngay lập tức, nhà chức trách Nhật Bản yêu cầu 5 hãng này phải tạm ngừng xuất xưởng một số mẫu xe nghi vấn để chờ thẩm định.

Trong các cuộc họp báo sau đó, lãnh đạo các hãng xe lớn của Nhật Bản đã lần lượt cúi đầu tạ lỗi trước công chúng sau khi thừa nhận hành vi gian lận. Toyota "vi phạm quy định kiểm tra và đệ trình dữ liệu sai lệch" trong thử nghiệm va chạm với người đi bộ đối với 3 mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross. Honda bị phát hiện làm giả dữ liệu liên quan đến tiếng ồn và công suất động cơ xăng. Các công ty còn lại làm sai lệch kết quả thử nghiệm va chạm đối với một số mẫu, trong đó có mẫu xe thông dụng như Mazda2.  

leftcenterrightdel

Chủ tịch Toyota Motor Corp Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 3-6-2024. Ảnh: Kyodo 

Vụ bê bối được phanh phui sau khi nhà chức trách Nhật Bản yêu cầu 85 hãng sản xuất ô tô, xe máy và nhà cung cấp phụ tùng báo cáo các hành vi sai trái liên quan đến đơn đăng ký chứng nhận sản phẩm. Hàng loạt sai phạm được phát hiện đã làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn, tính minh bạch cũng như tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm “Made in Japan”.

Trước đó, hồi tháng 1, Toyota buộc phải đình chỉ xuất xưởng một số mẫu xe sau khi phát hiện những bất thường trong các cuộc kiểm tra chứng nhận đối với động cơ diesel do công ty con Toyota Industries phát triển. Tháng 12 năm ngoái, Daihatsu, công ty con thuộc sở hữu của Toyota đã phải ngừng sản xuất trong nước sau khi thừa nhận giả mạo kết quả kiểm tra an toàn trong hơn 30 năm.

Năm 2018, Nissan thừa nhận gian lận kết quả thử nghiệm khí thải và mức tiết kiệm nhiên liệu đối với 19 mẫu xe bán tại thị trường nội địa. Năm 2016, Mitsubishi vướng bê bối gian lận mức tiêu hao nhiên liệu trong suốt 25 năm và phải chi khoản tiền bồi thường lên đến hàng tỷ USD. Năm 2017, nhà sản xuất túi khí lớn nhất Nhật Bản Takata gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi sau khi bị phát hiện làm sai lệch dữ liệu kiểm tra an toàn dẫn đến việc thu hồi 67 triệu túi khí.

Trong lúc giới chức Nhật Bản tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến sai phạm, đã có một số lý giải được đưa ra để biện minh. Tại buổi họp báo thông tin về vụ việc, bên cạnh cam kết nỗ lực ngăn chặn sai phạm tái diễn, Giám đốc điều hành Mazda Masahiro Moro cũng cho hay, các dữ liệu bị sai lệch là do nhân viên hãng “hiểu sai về các hướng dẫn thủ tục không rõ ràng”, chứ không phải là “sự che đậy mang tính tổ chức” hay “sự giả mạo có ác ý”. Cả Toyota và Honda đều khẳng định, các sản phẩm xe hơi vẫn an toàn để vận hành, do đó, không có ý định thu hồi số xe đã bán ra thị trường.

Còn theo chuyên gia Koji Endo, các tiêu chuẩn kiểm định an toàn của Nhật Bản được ban hành từ hơn 70 năm trước nên “đã lỗi thời và khó tuân thủ đối với nhiều nhà sản xuất”, và rằng trên thực tế, Nhật Bản có các quy định về an toàn khắt khe hơn so với nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, thiệt hại từ vụ bê bối của ngành xe hơi Nhật Bản thật khó có thể đong đếm, bởi bên cạnh tổn thất tức thì về kinh tế sau khi cổ phiếu của các hãng xe này sụt giảm đột ngột, thì còn những tổn thất vô hình là sự xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, là sự hoài nghi của các nhà đầu tư trong tương lai. Ít tháng trước, vụ bê bối thực phẩm chức năng của hãng dược phẩm Kobayashi cũng đã khiến dư luận đặt ra cùng một câu hỏi: Liệu các sản phẩm “Made in Japan” có còn xứng đáng với niềm tin của khách hàng?

Điều cần kíp lúc này là việc chính quyền và doanh nghiệp cùng đưa ra những chính sách, hành động thiết thực để xóa tan lo ngại, khôi phục lòng tin, giảm thiểu tổn thất kinh tế, mặt khác, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hơn của ngành công nghiệp ô tô vốn góp phần quan trọng đem lại danh tiếng cũng như tăng trưởng kinh tế cho đất nước mặt trời mọc. Khôi phục niềm tin của người tiêu dùng dựa trên việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về liêm chính và minh bạch, đó là một quá trình lâu dài và gian nan song vô cùng cần thiết với bất cứ thương hiệu sản phẩm nào, mà hiểu rộng ra, cũng như với uy tín thương hiệu của một quốc gia.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.