Tại một trang trại phía Bắc nước Bỉ, không xa nơi hàng trăm máy kéo đang làm tê liệt hoạt động của cảng lớn thứ hai châu Âu Antwerp, Bart Dochy bật máy tính chờ đợi một chương trình của chính phủ tải bản đồ trang trại của anh lên mạng. Sau đó, anh còn phải kê khai hàng loạt số liệu về lượng phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình sản xuất và thu hoạch... “Họ giám sát bằng vệ tinh và máy bay không người lái, phân tích xem từng hạt phân bón được rải thế nào”, Dochy ngao ngán.

leftcenterrightdel
Một số máy kéo được đặt ở phía trước lối vào cửa hàng ở Pháp. Ảnh: francebleu.fr

Giới nông dân đang bất mãn trước chi phí sản xuất nông nghiệp tăng vọt, thủ tục hành chính nhiêu khê, các quy định về môi trường ngày càng khắt khe của Liên minh châu Âu (EU), còn nông sản nhập khẩu giá rẻ đánh bật nông sản nội địa ngay trên sân nhà.

Biểu tình của nông dân từ lâu vẫn âm ỉ tồn tại. Song lần này, quy mô và tác động tiềm ẩn của nó làm gia tăng rủi ro chính trị trước các cuộc bầu cử quan trọng ở EU, Ấn Độ, Mỹ và hàng chục quốc gia trên thế giới.

Nông nghiệp chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế EU, chưa tới 2% tổng GDP. Năm 2022, xuất khẩu nông nghiệp của EU thu về 537 tỷ euro. Song chi phí sản xuất cũng rất lớn: 316,7 tỷ euro, tăng 22% so với năm trước, do giá nhiên liệu và phân bón toàn cầu tăng cao kỷ lục.

Nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhu cầu biến động và cạnh tranh nước ngoài, do đó thu hút đầu tư hay kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực này rất khó khăn. Cũng bởi thế, nông nghiệp là một trong những ngành được trợ cấp nhiều nhất ở EU. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực gây ô nhiễm, chiếm hơn 10% lượng khí thải của EU. Bất chấp mọi nỗ lực, khí thải nông nghiệp có xu hướng gia tăng ở 13 quốc gia EU, thậm chí tăng vượt 30% như ở Estonia. Có thể lý giải rằng, sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, EU chủ trương “quyền tự chủ chiến lược” nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đồng nghĩa với gia tăng khí thải nông nghiệp, khiến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của EU dường như bất khả thi. Sốt ruột trước thực tế đó, giới chức EU liên tục đề ra các quy định khắt khe về môi trường cốt đạt mục tiêu đề ra, đẩy lợi ích của nông dân xuống thứ yếu. Cùng với đó, những thủ tục hành chính quan liêu ngày càng bóp nghẹt bầu không khí người nông dân đang hít thở.

“Tức nước vỡ bờ”, phong trào nông dân biểu tình đang lan rộng khắp nơi. Tại Brussels (Bỉ), hàng chục chiếc máy kéo của nông dân gây tắc nghẽn đường phố ngay trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Tình hình tương tự tại Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan, Romania... Nông dân Ba Lan đi đầu trong việc phản đối ngũ cốc nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine, buộc chính phủ chấp nhận đàm phán. Nông dân Đức chặn các đường cao tốc vào Berlin suốt một tuần để phản đối chính phủ cắt giảm trợ cấp giá dầu diesel. Nông dân Mỹ phàn nàn bị các “ông lớn” ngành nông nghiệp chi phối. Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thủ tướng Narendra Modi buộc phải xoa dịu nông dân với các khoản trợ cấp tiền mặt, song New Delhi vẫn đang chật vật đối phó với các cuộc biểu tình và đình công có nguy cơ lan rộng toàn quốc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây tuyên bố rút lại luật thuốc trừ sâu gây tranh cãi, xoa dịu nông dân EU bằng cách ca ngợi sự cống hiến và đóng góp của họ cho nền kinh tế, hứa xem xét, tháo gỡ những khó khăn nông dân đang phải đối mặt. Tại Pháp, nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu EU, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron cam kết trợ cấp nhiều hơn cho nông dân, trấn áp cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu. Ở New Zealand, tân chính phủ đã đề xuất trì hoãn thuế phát thải trang trại đầu tiên trên thế giới cho đến năm 2030... 

“Các chính trị gia đều hy vọng đắc cử nên họ tích cực vỗ về giới nông dân... Các đảng cánh hữu, nhà hoạt động môi trường, không ai đứng ngoài cuộc”, Tạp chí Fortune dẫn lời nông dân Pháp Foucault. Nói về vai trò của nông dân, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu Hegadorn nhận định: “Ta có thể tồn tại mà không có ô tô điện, không điện thoại di động, nhưng không thể tồn tại nếu không có nông dân và sản phẩm họ làm ra”. 

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.