QĐND - Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại nổi sóng sau khi Hàn Quốc cảnh báo sẽ nối lại các hoạt động tuyên truyền ở biên giới chống Triều Tiên, nhằm trả đũa vụ hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng trong một vụ nổ mìn do Triều Tiên cài ở khu vực phi quân sự (DMZ) hồi tuần trước.
Phát biểu ngày 10-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Xốc (Kim Min-seok) tuyên bố, lần đầu tiên trong 11 năm, Xơ-un đã quyết định nối lại chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới với Triều Tiên. “Chương trình phát sóng qua loa ngày hôm nay nhấn mạnh rằng, vụ nổ làm bị thương hai binh sĩ Hàn Quốc là một sự khiêu khích của Bình Nhưỡng”, ông Kim Min Xốc cho biết.
Trước đó, năm 2004, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí ngừng “chiến tranh tuyên truyền dọc biên giới” nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Đến năm 2010, Xơ-un đã nối lại chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh và rải truyền đơn dọc biên giới nhằm "trả đũa" Triều Tiên sau vụ chiến hạm Cheonan của nước này bị chìm, mà phía Xơ-un cho rằng, do ngư lôi của Bình Nhưỡng gây nên. Tuy nhiên, chiến dịch này sau đó đã bị hủy bỏ do Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc nối lại hệ thống loa phóng thanh, quân đội Triều Tiên sẽ bắn phá. Theo AP, hiện chưa rõ chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới mới này kéo dài trong bao lâu, song nó đang làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
 |
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc biên giới với Triều Tiên ngày 9-8. Ảnh: AP.
|
Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra ngày 10-8, Thiếu tướng Cu Hông Mô (Koo Hong-mo) thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, cho biết thêm, theo kết quả điều tra tại hiện trường do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Ủy ban đình chiến thuộc Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc phối hợp tiến hành, các binh sĩ Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phân định quân sự để đặt mìn gần vị trí canh gác của binh sĩ Hàn Quốc ở DMZ.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã rơi vào căng thẳng khi xảy ra một vụ nổ mìn dọc DMZ hôm 4-8 vừa qua. Vụ nổ xảy ra lúc 7 giờ 40 phút sáng theo giờ địa phương khi hai binh sĩ Hàn Quốc thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 đang tuần tra gần đường biên giới phía tây thuộc huyện Y-ơn-chơn, tỉnh Kiêng-ghi. Vụ nổ khiến hai binh sĩ này bị thương nặng ở chân, may mắn vết thương không đe dọa tính mạng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, mìn phát nổ thuộc loại mìn PMD bán kính gây sát thương tối đa 2m.
Khi vụ việc còn chưa lắng xuống, cuối tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều chỉnh giờ chuẩn muộn hơn 30 phút so với giờ chuẩn mà hai miền đang sử dụng bắt đầu từ ngày 15-8, tức là nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản, một ngày lễ lớn của cả hai miền Triều Tiên. Phản ứng trước động thái này, ngày 10-8, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê (Park Geun-hye) cảnh báo rằng, quyết định đơn phương điều chỉnh giờ của Triều Tiên có thể khoét sâu những bất đồng giữa hai bên. “Điều rất đáng tiếc là Triều Tiên đã quyết định thay đổi giờ chuẩn của họ mà không có sự tham vấn hay thông báo trước nào”, nữ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định. Bà Pắc Cưn Hê còn nhấn mạnh, quyết định trên của miền Bắc đi ngược lại với những nỗ lực hướng tới sự hợp tác liên Triều và công cuộc thống nhất hòa bình giữa hai miền.
Thực tế cho thấy, cho đến nay Bình Nhưỡng chưa bật tín hiệu để tiến hành tổ chức đàm phán liên Triều. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Thống nhất nước này cho biết, Xơ-un ngày 5-8 đã tìm cách gửi một bức thư cho Bình Nhưỡng đề nghị tổ chức đàm phán cấp cao. “Chúng tôi đã tìm cách đề nghị đàm phán với Triều Tiên về việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm trước dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản (15-8-1945/15-8-2015). Tuy nhiên, phía Triều Tiên không chấp nhận điều này với lý do họ chưa nhận được lệnh từ ban lãnh đạo”, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Châng Chun Hi (Jeong Joon-hee) cho hay.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tiến hành, 87% số công ty được hỏi nói họ đang và sẽ quan tâm đến khả năng trên, khoảng 31% nói họ sẽ “tích cực” nỗ lực để kinh doanh ở miền Bắc và 56% nói họ sẽ làm như vậy “nếu các điều kiện được đáp ứng”. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng triển vọng thống nhất khó thành hiện thực trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng như hiện nay.
BÌNH NGUYÊN