Ngày 28-10, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết, Paris sẽ có thái độ không khoan nhượng đối với Anh và sẽ chặn hầu như toàn bộ tàu, thuyền của Anh cho tới khi London cấp đủ giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Pháp. “Tôi cho rằng chúng tôi đã tìm cách đối thoại, đã nhận một nửa số giấy phép đánh bắt cá, nhưng điều đó là chưa đủ và không thể chấp nhận được”, ông Beaune nhấn mạnh khi phát biểu trên kênh truyền hình CNEWS.

Cùng ngày, Bộ Hàng hải Pháp cho biết, lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một tàu đánh cá không giấy phép của Anh trong vùng biển của Pháp, đồng thời cảnh cáo một tàu khác của Anh khi đang hoạt động tại vùng biển ngoài khơi cảng Le Havre thuộc Pháp. Tàu cá bị bắt giữ đã được bàn giao cho các quan chức tư pháp để phục vụ điều tra, trong khi thuyền trưởng của tàu có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Các tàu đánh cá của Pháp tại cảng St. Helier ở hòn đảo tự trị Jersey do Anh quản lý. Ảnh: AP 

Trước đó, ngày 27-10, Pháp đã cảnh báo gián đoạn thương mại với Anh, đồng thời công bố một loạt biện pháp trừng phạt mà nước này có thể áp dụng từ ngày 2-11 tới, nếu không đạt được tiến bộ trong tranh cãi với London về vấn đề quyền đánh bắt cá sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, các biện pháp sẽ bao gồm kiểm tra hải quan và quy định an toàn thực phẩm một cách có hệ thống đối với các sản phẩm chuyển tới Pháp và lệnh cấm các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Anh cập bến các cảng của Pháp. Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Beaune cho rằng, các biện pháp hạn chế có thể được mở rộng thêm. Nếu những biện pháp nêu trên không đem lại hiệu quả, Pháp có thể cân nhắc đến các biện pháp khác, trong đó có việc giảm cung cấp điện cho Anh.

Phản ứng trước tuyên bố này của Pháp, Bộ trưởng Brexit Anh David Frost đã bày tỏ sự thất vọng đối với tuyên bố của Pháp về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề quyền đánh bắt cá hậu Brexit. Phía Anh tuyên bố sẽ có phản ứng phù hợp nếu Pháp thực thi các biện pháp trên.

Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt tranh cãi giữa Paris và London khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal, phía Anh chưa cấp cho Pháp 50% giấy phép đánh bắt cá mà Paris được phép nhận theo thỏa thuận hậu Brexit mà London đã ký với EU hồi tháng 12-2020.

Quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây nhiều trở ngại trong tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1-1-2021. Thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh, với điều kiện phải có giấy phép được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó.

Các nhà quan sát nhận định, những biện pháp cứng rắn nhằm vào lĩnh vực đánh bắt cá và các cuộc kiểm tra hải quan trên diện rộng sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu của Anh, cũng như làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại của London. Kế hoạch này của Pháp sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế Anh trước mùa lễ Giáng sinh trong bối cảnh xứ sở sương mù đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và giá năng lượng tăng cao.

LÂM ANH