Không có tiền lệ lịch sử
Hiện chưa có định nghĩa chính thức, nhưng theo cách hiểu được nhiều người chấp nhận nhất, cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người; kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Sau đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1-2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới cụm từ này. Hiện nay, công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một dây chuyền sản xuất ô tô được tự động hóa cao ở Đức. Ảnh: Times Free Press
Cách mạng công nghiệp thứ nhất sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện tại, cuộc cách mạng lần thứ tư là sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Theo ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, tốc độ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu diễn ra trên 3 lĩnh vực chính, gồm: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Và yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI); vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Trong lĩnh vực vật lý, đó là các dây chuyền với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano...
Cuộc đua khốc liệt
Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc... Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức. Mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng, nhất là có thể phá vỡ thị trường lao động. Tuy nhiên, với lợi ích quá lớn mà nó mang lại, hiện đang diễn ra cuộc đua quyết liệt giữa các nước lớn.
Thủ tướng Đức A.Merken đặc biệt khuyến khích phát triển công nghiệp 4.0. Ảnh: Boston.com
Vài năm trước, Đức đưa ra chiến lược công nghiệp 4.0 và trở thành nước tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà nhiều người đang nhắc tới. Đức xem cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công cụ mang lại nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Không dừng lại ở đó, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này còn đi đầu trong nỗ lực phổ biến khái niệm mới ra thế giới, cũng như bắt đầu soạn thảo những tiêu chuẩn liên quan. Từ năm 2012, Đức thành lập Nhóm đặc trách về “công nghiệp 4.0” nhằm đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hành động để đưa Đức trở thành nước dẫn đầu công nghiệp 4.0.
Không chịu kém cạnh, Chính phủ Mỹ cũng đặt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế tạo với khái niệm mới "Internet công nghiệp", hay cách mạng công nghiệp 4.0. Để hỗ trợ cho công nghiệp 4.0, tháng 3-2014, Liên minh internet công nghiệp (IIC) được thành lập với trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng IoT trong công nghiệp. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đầu tư 1,1 tỷ USD cho các dự án (chưa tính các dự án an ninh, quốc phòng). Nước Mỹ còn hoạch định chiến lược giáo dục ở nhiều cấp nhằm giúp học sinh ở các cấp học này có kiến thức và kỹ năng tính toán, vật lý, lập trình, hoặc chế tạo robot, đảm bảo rằng học sinh sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Nước Anh với sáng kiến “Thành phố công nghệ” cũng tham gia vào cuộc đua này. Cụ thể, để xây dựng nền kinh tế số, năm 2010, nước Anh đã đưa ra sáng kiến “thành phố công nghệ” (Tech City UK) với 21 cụm công nghệ số trên khắp nước Anh. Chính phủ Hàn Quốc thậm chí còn lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy sự thành lập của "những nhà máy thông minh". Còn “đại gia” công nghệ của châu Á là Nhật Bản thì quyết theo đuổi xây dựng xã hội “siêu thông minh”. Năm 2013, nước này đã công bố “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó tập trung thúc đẩy “thông minh hóa”, “hệ thống hóa” và “toàn cầu hóa”. Nước này phấn đấu một xã hội “siêu thông minh” hay “xã hội 5.0”, giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số, là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân. Cũng từ tháng 6-2016, Nhật Bản đã đưa môn học lập trình trở thành môn học bắt buộc tại các trường trung học cơ sở.
HOA HUYỀN