Trong một bài viết mới đây, AP cho biết ngay sau vụ khủng bố 11-9-2001, Mỹ đã quyết định đưa quân sang Afghanistan để lật đổ lực lượng Taliban và chính quyền Tổng thống George W.Bush khi đó cũng bắt đầu cảnh cáo Iraq-quốc gia vốn từ lâu đã bị xem là mối đe dọa với các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

Trên thực tế, Iraq được biết đến là đã từng tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân trong thập niên 1980 và từng thực hiện các chương trình vũ khí hóa học-sinh học đến khi chiến tranh vùng Vịnh kết thúc vào năm 1991. Đến năm 2002, Mỹ vẫn cáo buộc chính quyền Saddam Hussein ém nhẹm thông tin mặc dù các thanh sát viên quốc tế lúc bấy giờ không hề phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Baghdad đã nối lại các chương trình vũ khí kể trên.

leftcenterrightdel
Tổng thống George W.Bush phát biểu ngày 1-5-2003 trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln, tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ. Ảnh: Getty Images 

Một báo cáo tình báo của Mỹ hồi tháng 10-2002 cho rằng Iraq “đã cân nhắc mua urani từ Niger, đang xây dựng các phòng thí nghiệm vũ khí lưu động, đang tính sử dụng thiết bị không người lái cho việc rải các chất độc chết người và có kho vũ khí hóa học lên tới 500 tấn”.

Một số quan chức Mỹ thậm chí còn khẳng định chính quyền Iraq có mối quan hệ với các thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda “bất chấp các bằng chứng cho thấy sự thù hằn sâu sắc giữa đôi bên”. “Trước cuộc chiến, chính quyền Tổng thống Bush nhắc đi nhắc lại những phát hiện của tình báo Mỹ. Chỉ vài tháng sau khi Mỹ đưa quân sang Iraq, mọi cáo buộc đều đã được chứng minh là sai lầm.

Chẳng có kho vũ khí hóa học nào được tìm thấy. Các đánh giá về sau cho rằng mọi cáo buộc ban đầu đều căn cứ vào những thông tin lỗi thời, những nhận định sai lầm, cùng với việc kết hợp giữa thiếu nguồn tin và sự bịa đặt hoàn toàn”, AP nêu rõ.

Khi Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực sau can thiệp quân sự của Mỹ, trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post hồi năm 2006, một phát ngôn viên của Nhà Trắng khi đó khẳng định rằng Tổng thống Bush “quyết định phát động chiến tranh tại Iraq dựa trên thông tin do cộng đồng tình báo cung cấp”.

AP dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) cho biết có đến 300.000 thường dân đã thiệt mạng trong hai thập niên xung đột tại Iraq. Trong khi đó, Mỹ tổn thất 4.500 binh lính, tốn khoảng 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến tranh Iraq cùng với cuộc chiến “hệ lụy” tại Iraq và quốc gia láng giềng Syria nhằm chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng .

Theo AP, những sai lầm từ cuộc chiến tranh Iraq đã tác động sâu sắc tới cộng đồng tình báo Mỹ, tạo động lực cho một cuộc cải tổ lớn, trong đó có việc Cục Tình báo Trung ương (CIA) bị mất vai trò giám sát đối với các cơ quan tình báo khác.

Năm 2004, Quốc hội Mỹ đã quyết định thành lập Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) chịu trách nhiệm giám sát các cơ quan tình báo của nước này. Trong khi những người ủng hộ cho rằng ODNI có thể “đóng vai trò trọng tài” giữa các cơ quan tình báo Mỹ “vốn thường có phong cách làm việc và sở trường khác nhau rõ rệt”, những ý kiến phản đối lại xem việc thành lập ODNI là không cần thiết.

“Chúng tôi đã rút ra được những bài học quan trọng sau đánh giá sai lầm của mình về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq vào năm 2002. Trong công việc, chúng tôi nỗ lực rút ra các bài học để giúp mình tư duy hiệu quả hơn nhằm phục vụ cho an ninh quốc gia”, bà Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khẳng định. Trong khi đó, theo ông Michael Allen, Giám đốc điều hành hãng phân tích Beacon Global Strategies có trụ sở tại Washington, đồng thời là một cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Bush, giới chức Mỹ giờ đây đã “học được cách lắng nghe những quan điểm khác biệt giữa các cơ quan khác nhau trong cộng đồng tình báo”.

AP nêu rõ những nhận định sai lầm hoàn toàn về các chương trình vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học của Iraq-vốn liên tục được Washington trích dẫn nhằm tập hợp sự ủng hộ trong và ngoài nước cho cuộc chiến-đã gây tổn hại lâu dài cho uy tín của cộng đồng tình báo Mỹ.

Và cách đây hai năm, tình báo Mỹ lại tiếp tục vấp phải thất bại khi đánh giá chính quyền Kabul được Washington hậu thuẫn có thể trụ vững được nhiều tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Trung tâm nghiên cứu AP-NORC (do hãng tin AP và tổ chức nghiên cứu NORC tại Đại học Chicago, Mỹ thành lập) cho thấy, chỉ 18% người trưởng thành tại Mỹ “có nhiều” niềm tin vào cộng đồng tình báo nước này trong khi 49% “có một ít” và 31% “hầu như không có” niềm tin.

“Chúng ta đã sống cùng bóng ma của cuộc chiến tranh Iraq trong hai thập niên qua. Cuộc chiến này đã ảnh hưởng tới uy tín của chúng ta”, AP dẫn lời Hạ nghị sĩ Jason Crow, thành viên Ủy ban Tình báo và Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ, đồng thời là một cựu binh từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan.

HOÀNG VŨ