Giữa lúc cơn giận dữ liên quan tới tình trạng kỳ thị người gốc Á từ sau vụ xả súng tại một loạt tiệm massage ở thành phố Atlanta (Mỹ) chưa lắng xuống, vụ xả súng sáng 27-3 tại vùng duyên hải Virginia Beach của bang Virginia, miền Đông nước Mỹ, chẳng khác nào “đổ thêm dầu” vào làn sóng giận dữ đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương trong vụ xả súng mới nhất này. Trước đó, ngày 23-3, tại bang Colorado của Mỹ cũng đã xảy ra một vụ xả súng kinh hoàng tại một siêu thị ở thành phố Boulder, làm 10 người thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát. 

Cùng ngày 27-3, các cuộc tuần hành phản đối tình trạng kỳ thị người gốc Á đã diễn ra ở một loạt thành phố trên khắp nước Mỹ. Tại khu vực Queens của thành phố New York, hàng trăm người đã tuần hành yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á. Các cuộc tuần hành tương tự cũng được tổ chức ở khoảng 60 thành phố tại Mỹ, bao gồm: San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland.     

Làn sóng tuần hành phản đối kỳ thị người gốc Á tại Mỹ đã lan sang Canada. Ngày 27-3, hàng trăm người ở Canada đã lái xe qua Bảo tàng nhân quyền Canada tại Winnipeg, tỉnh Manitoba, trong khi hàng chục người đứng trên vỉa hè mang theo các biểu ngữ “Hãy dừng thù ghét người châu Á”, “Hãy ngừng thù hận và bắt đầu yêu thương”, nhằm bày tỏ phản đối nạn kỳ thị và bạo lực nhằm vào người gốc Á ở quốc gia Bắc Mỹ này.

Các cuộc tuần hành là một phần trong sáng kiến “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” sau các vụ xả súng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á, cũng như một loạt các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ở các thành phố lớn trên cả nước Mỹ trong thời gian vừa qua. 

Tuần hành phản đối kỳ thị người gốc Á tại khu phố người Hoa ở Washington. Ảnh: Getty Images. 

Sáng kiến khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nhận thức của những người theo dõi họ (follower) trên mạng về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á. Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Hơn 200 năm sau, những người châu Á ở Mỹ vẫn đang phải chịu những tác động của nạn phân biệt chủng tộc... Những người lớn tuổi châu Á đang bị hành hung trên đường phố. Trẻ em người Mỹ gốc Á sợ đi học trở lại”. Cũng nằm trong sáng kiến nói trên, tối 26-3, tòa nhà biểu tượng của thành phố New York Empire State được thắp sáng với hai màu đen và vàng. Sự kiện này được tổ chức đúng ngày Đạo luật Nhập tịch ban đầu của Mỹ được ký thành luật vào năm 1790, theo đó cấm những người không phải da trắng trở thành công dân của Mỹ. Cùng với việc thắp sáng tòa nhà Empire State, nhiều hội thảo và các sự kiện trực tuyến cũng được tổ chức với sự chủ trì của các nhà lãnh đạo và tổ chức người Mỹ gốc Á.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, tỷ lệ các vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng vọt. Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan của Đại học bang California cho thấy, mặc dù tội phạm thù hận nói chung giảm nhẹ vào năm 2020, tuy nhiên tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ lại tăng vọt, gần 150%. Theo trang web của Ngày hành động người Mỹ gốc Á, đã có khoảng 500 vụ việc mang tính chất thù hận nhằm vào người châu Á kể từ đầu năm tới nay. 

Trước tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á gia tăng, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á, đồng thời cam kết sẽ có nhiều hành động hơn nữa để bảo vệ, nâng cao và hỗ trợ cộng đồng này. Nội dung tuyên bố chung trên nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi lên án phân biệt chủng tộc, bạo lực và thù hận đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI), và sẽ hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ, nâng cao và hỗ trợ cộng đồng này”.

Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris cũng đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo và các nhà lập pháp bang từ cộng đồng AAPI. Tổng thống Joe Biden khẳng định, tình trạng bạo lực trên phải chấm dứt, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật chống thù hận liên quan tới đại dịch Covid-19.   

MAI NGUYÊN