Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đây là động thái cho thấy Pakistan đang phát đi những tín hiệu cứng rắn trong bối cảnh quan hệ với New Delhi liên tục xấu đi sau vụ tấn công hôm 22-4 tại Kashmir mà phía Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan, mặc dù Islamabad kịch liệt bác bỏ.
Đối với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, việc thử nghiệm vũ khí như vậy không phải hiếm, nhưng thời điểm diễn ra giữa lúc quan hệ Ấn Độ-Pakistan đang mong manh đã làm gia tăng mối quan ngại của dư luận quốc tế trước nguy cơ xung đột leo thang ở khu vực.
 |
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif (bên phải) gặp Đại sứ Saudi Arabia Nawaf bin Saeed Al-Maliky tại Islamabad, ngày 2-5, để tìm kiếm sự ủng hộ. Ảnh: Aljazeera
|
Sau vụ tấn công ở Kashmir, quan hệ Ấn Độ và Pakistan trở nên căng thẳng với một loạt hành động trả đũa lẫn nhau. Hai nước những ngày qua liên tục có các động thái đối đầu ngoại giao, diễn tập quân sự, thử tên lửa và đấu súng ở vùng Kashmir đang tranh chấp, dù chưa gây ra thương vong hay thiệt hại.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã triển khai hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Pakistan: Hủy bỏ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn ký từ năm 1960, trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan, cấm cấp visa cho công dân nước này, siết chặt không phận đối với máy bay Pakistan. Mới đây nhất, ngày 3-5, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra lệnh cấm toàn bộ hàng hóa có xuất xứ hoặc trung chuyển qua Pakistan nhập khẩu vào Ấn Độ, có hiệu lực ngay lập tức. Cùng ngày, Tổng cục Hàng hải Ấn Độ cũng cấm tàu treo cờ Pakistan cập cảng nước này, đồng thời cấm tàu treo cờ Ấn Độ cập cảng Pakistan, viện dẫn lý do bảo vệ tài sản, hàng hóa và cơ sở hạ tầng.
Đáp lại, Pakistan thông báo đóng cửa không phận với các chuyến bay Ấn Độ, dừng toàn bộ hoạt động thương mại song phương và trục xuất các nhà ngoại giao Ấn Độ. Islamabad tuyên bố nếu Ấn Độ can thiệp vào dòng nước chia sẻ theo hiệp ước lịch sử, điều đó sẽ bị coi là “hành động chiến tranh”. Đại sứ Pakistan tại Nga Muhammad Khalid Jamali hôm 3-5 nói với RT rằng Islamabad sẵn sàng đáp trả mọi động thái gây hấn, với cảnh báo “sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh, cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cảnh báo rằng nước này sẽ tấn công mọi công trình được xây dựng trên sông Ấn “vi phạm Hiệp ước nước sông Ấn”. Theo Bộ trưởng Asif, hiện tại, Pakistan đang hướng đến giải quyết bất đồng ở những diễn đàn sẵn có, bắt đầu từ Hiệp ước nước sông Ấn.
Lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột ở khu vực, quốc tế vẫn đang tăng cường nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa hai bên. Các quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Phó tổng thống J.D.Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, liên tục kêu gọi cả hai bên kiềm chế và hạ nhiệt tình hình để tránh đẩy Nam Á vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng đã gặp các phái viên từ Trung Quốc, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, 3 trong số những đồng minh thân cận nhất của Pakistan, để tìm kiếm sự ủng hộ và kêu gọi sự tác động đối với Ấn Độ nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm, thảo luận về quan hệ đang xấu đi giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, bên cạnh những vấn đề song phương và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, Ngoại trưởng Lavrov đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giải quyết vấn đề trên cơ sở các biện pháp chính trị và ngoại giao song phương phù hợp với Hiệp định Simla năm 1972 và Tuyên bố Lahore năm 1999.
Ngày 3-5, Đại diện thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc (LHQ) Asim Iftikhar Ahmad đã khẳng định lại lập trường của các nhà lãnh đạo nước này rằng Pakistan “không tìm cách leo thang căng thẳng”. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở LHQ tại New York, ông Asim Iftikhar Ahmad cho biết, Pakistan đã báo cáo với Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ về những diễn biến mới nhất, đồng thời chia sẻ lập trường và mối quan ngại của mình với nhiều đối tác quốc tế khác.
Quan chức ngoại giao này cũng lưu ý, Pakistan mong muốn có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình và hợp tác với tất cả các nước láng giềng, bao gồm cả Ấn Độ, và ủng hộ mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng về chủ quyền, chung sống hòa bình và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp còn tồn tại.
XUÂN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.