Tuy chỉ hoạt động được vài tháng, nhưng nhà máy này vẫn còn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho đến ngày nay. Bởi lẽ, một số căn phòng bên trong hiện chưa được tháo gỡ bom mìn.

Mục đích xây dựng

Trong cuốn sách “Bí ẩn” của mình, nhà chính luận, chuyên gia nổi tiếng về lịch sử nhà nước và pháp luật Vladimir Karpets cho biết, trùm phát xít Adolf Hitler năm 1943 đã thông qua quyết định đặt các nhà máy của Đức bên trong các hầm mỏ ở Czech. Mục đích của việc này là nhằm tránh những thiệt hại to lớn do các cuộc ném bom của Mỹ và Anh gây ra cho ngành công nghiệp Đức.

Nhà máy “Richard” (được đặt theo tên của các mỏ gần thị trấn Litomerice) được khởi công xây dựng vào tháng 11-1943 và được giám sát bởi lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Bản thân các hầm mỏ, với những đoạn uốn khúc kỳ lạ tại các lối đi và những căn hầm, đã tồn tại từ thời Trung cổ và trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Litomerice (chiều dài tối đa của chúng là 30km). Cơ sở tối mật này được xây dựng bởi hơn 5.000 công nhân, hầu hết là tù nhân đến từ các trại tập trung gần đó. Tham gia công trình còn có vài chục công ty của Thụy Điển và Đức.

 Bên trong nhà máy “Richard” của Đức Quốc xã ở Czech. Ảnh: realt.onliner.by. 

 

“Richard” bắt đầu hoạt động vào tháng 11-1944. Trang thiết bị từ các nhà máy của Đức chuyên sản xuất động cơ cho xe tăng quân phát xít đã được vận chuyển đến đây. Tại đây dự kiến sẽ khởi động một nhà máy lọc dầu và đặt một xí nghiệp sản xuất bóng đèn điện tử. Thậm chí, trong những ngày đầu tháng 5-1945, khi kết quả Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã được định đoạt, thì việc xây dựng “Richard” vẫn tiếp tục diễn ra. Khi công nhân tuyên bố chiến tranh kết thúc và Hitler đã chết, thì hoạt động sản xuất của nhà máy mới dừng lại.

Chuyện gì đã xảy ra với “thùng thuốc súng” dưới lòng đất?

Lực lượng cảnh sát bí mật Gestapo của Đức Quốc xã vào tháng 5-1945 đã gài mìn nhà máy “Richard” với ý định sẽ cho nổ tung. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà kế hoạch này của chúng đã không thể thực hiện được. Từ ngày 25-5, quân đội Liên Xô bắt đầu rà phá bom mìn các hầm mỏ và căn hầm của nhà máy, nhưng quá trình này quá phức tạp khiến một số căn phòng phải được để nguyên và niêm phong lại.

Trong cuốn sách “Bí ẩn” của mình, tác giả Vladimir Karpets đã viết rằng, các chuyên gia của Bộ An ninh Quốc gia Đức vào những năm 1950 đã tìm hiểu và nghiên cứu những căn hầm của nhà máy “Richard”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ mục đích việc làm này của họ.

Cổng thông tin nổi tiếng của Cộng hòa Czech iDNES.cz từng viết, chính quyền thị trấn Litomerice vào năm 2009 đã bắt đầu xây dựng đề án mở cửa khu vực an toàn của nhà máy “Richard” để phục vụ du khách đến tham quan. Tuy nhiên, sự thay đổi ban lãnh đạo thị trấn đã khiến kế hoạch không tiếp tục được triển khai nữa. “Chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”, cổng thông tin iDNES.cz dẫn lời ông Karel Kreiza, Phó thị trưởng thị trấn Litomerice đương nhiệm.

Ông này cho biết, cần phải giải quyết các vấn đề còn tồn tại với chủ sở hữu đất ở khu vực nhà máy “Richard”, việc này đòi hỏi sẽ mất ít nhất một năm. Theo cựu Phó thị trưởng thành phố Yaroslav Tvrdik, chi phí dự án “khai khẩn” nhà máy này có thể tiêu tốn của ngân sách của Czech khoản tiền lên đến 1 tỷ koruna. Người Czech đang trông chờ vào các nguồn tài trợ từ các quốc gia có công dân từng là tù binh tham gia xây dựng nhà máy dưới lòng đất này. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã được tổ chức với Đại sứ quán Pháp và Israel tại Cộng hòa Czech.

Không phải là nhà máy duy nhất tại Czech

“Richard”, một cơ sở quân sự dưới lòng đất của Đức Quốc xã, không phải là nhà máy duy nhất tại Czech. Theo ông Ladislav Lahoda, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu lịch sử Cộng hòa Czech, có đến vài chục nhà máy kiểu này đã được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động sản xuất đã không kịp diễn ra, nhiều nhà máy dưới lòng đất vẫn còn nằm lại trên giấy tờ. Lý do là, mãi đến giai đoạn cuối chiến tranh, Đức Quốc xã mới bắt đầu xây dựng những cơ sở đó.

Những nhà máy lớn nhất được xây dựng phần lớn tại các mỏ đá vôi và đá sa thạch cũ hoặc trong các đường hầm xe lửa. Những cơ sở nhỏ hơn thì xây trong hầm của nhà máy bia hoặc nhà máy chưng cất. Đức Quốc xã thường sử dụng tù nhân trong các trại tập trung để làm việc tại những cơ sở này.

Trong chiến tranh, những linh kiện máy bay của Đức được sản xuất tại một nhà máy dưới lòng đất ở Rabstein (khu vực Decinsky). Ngày nay, những căn phòng của nhà máy quân sự trước đây được một tổ chức xã hội ở địa phương thuê lại để xây dựng bảo tàng phục vụ khách du lịch.

Trong khi đó, ở Svitavy (vùng Pardubice) có nhà máy “Nautilus” của Đức từng sản xuất súng hơi, sau chiến tranh được chuyển đổi thành kho chứa rau quả. Từ năm 2002, cơ sở này thuộc sở hữu của một doanh nhân, được người này gọi là “những hầm mỏ địa ngục”, và bây giờ chủ yếu là các thợ đào hầm vào trong đó.

Tại thung lũng Prokop (phía Tây Nam thủ đô Praha), Đức Quốc xã từng lên kế hoạch sản xuất phụ tùng máy bay trong một cái hang. Tuy nhiên, quân phát xít chỉ mở được đường hầm và đổ được một phần bê tông. Sau chiến tranh, cơ sở này thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng Czech và được quân đội sử dụng một cách tuyệt mật cho đến ngày nay.

Ở Vipustek (khu vực Blansky) có một cái hang từng đặt nhà máy sản xuất linh kiện cho động cơ máy bay. Về sau, quân đội Tiệp Khắc đã biến nơi này thành trạm chỉ huy và hầm trú ẩn nguyên tử. Năm 2001, quân đội rút khỏi hang, và chỉ 3 năm trở lại đây người ta mới tổ chức những chuyến tham quan đến đây.

 

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)