Trang mạng Breaking Defense dẫn một báo cáo mới đây của GAO cho biết trong giai đoạn 2008-2022, hải quân Mỹ đã chịu thiệt hại ít nhất là 4 tỷ USD do "bà hỏa" ghé thăm các tàu chiến đang trong quá trình bảo dưỡng. Một dẫn chứng cụ thể mà GAO đưa ra là vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 5-2012 trên tàu ngầm tấn công USS Miami. Thay vì bỏ ra số tiền ước tính hơn 700 triệu USD để sửa chữa, hải quân Mỹ đã quyết định loại biên tàu USS Miami sớm hơn 10 năm so với kế hoạch.

"Sau khi mất tàu USS Miami, hải quân Mỹ nhận ra rằng không thể gánh thêm trở ngại nào nữa từ một vụ hỏa hoạn với quy mô như vậy. Mặc dù đã có những động thái nhằm cải thiện an toàn phòng cháy, chữa cháy sau vụ việc xảy ra với tàu USS Miami, song trong 10 năm tiếp theo sau đó, hải quân Mỹ vẫn chứng kiến thêm 9 vụ hỏa hoạn lớn khác trên các tàu chiến vốn đang trong giai đoạn bảo dưỡng", báo cáo của GAO nhấn mạnh. 

leftcenterrightdel

Các lực lượng của Mỹ xử lý vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard, tháng 7-2020. Ảnh: Navy Times. 

Theo tờ Navy Times, trong số 9 vụ hỏa hoạn nói trên phải kể đến vụ việc xảy ra vào năm 2015 với tàu đổ bộ USS Gunston Hall, khiến hải quân Mỹ tốn ước tính 26 triệu USD để sửa chữa và phải kéo dài thời gian bảo dưỡng thêm 2 tháng. Năm 2018, hải quân Mỹ phải chi khoảng 75 triệu USD để khắc phục hậu quả mà hỏa hoạn gây ra với tàu khu trục USS Oscar Austin.

Vào tháng 7-2020, tới lượt tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard bị "bà hỏa" ghé thăm. Hỏa hoạn xảy ra không lâu sau khi tàu này hoàn thành quá trình nâng cấp tốn 250 triệu USD. Điều đáng nói là kết quả điều tra sau đó của hải quân Mỹ xác định vụ hỏa hoạn trên tàu USS Bonhomme Richard "rõ ràng lẽ ra có thể ngăn chặn được".

Với chi phí sửa chữa hư hại ước tính tốn khoảng từ 2,5 đến 3,2 tỷ USD và kéo dài từ 5 đến 7 năm, cuối cùng, vào tháng 4-2021, hải quân Mỹ đã quyết định “khai tử” tàu USS Bonhomme Richard và bán làm sắt vụn. "Các vụ hỏa hoạn xảy ra trên các tàu chiến đang trong giai đoạn bảo dưỡng của hải quân Mỹ đã ảnh hưởng tới số lượng các tàu chiến sẵn có để triển khai thực hiện nhiệm vụ", báo cáo của GAO nêu rõ.

Tờ Navy Times cho biết, để thực hiện báo cáo trên, các chuyên gia của GAO đã nghiên cứu kỹ hàng loạt báo cáo, chính sách, quy trình, tài liệu huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, phỏng vấn trực tiếp giới chức phụ trách phòng cháy, chữa cháy của hải quân Mỹ và mục sở thị các tàu chiến đang trong quá trình bảo dưỡng. Trang mạng 13News Now dẫn báo cáo của GAO khẳng định số vụ hỏa hoạn xảy ra trên các tàu chiến mà hải quân Mỹ công bố ít hơn rất nhiều so với thực tế, với 92% số vụ bị bưng bít thông tin.

Theo tờ Navy Times, các tàu chiến đang trong giai đoạn bảo dưỡng "đặc biệt có nguy cơ bị hỏa hoạn" vì quá trình này liên quan tới việc hàn xì, các tia lửa điện cùng nhiều nguồn khác vốn có thể bắt lửa các nguyên liệu dễ cháy trong một không gian kín. Sau vụ việc đối với tàu USS Bonhomme Richard, hải quân Mỹ được GAO đánh giá là đã "có bước tiến" trong việc cải thiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Thế nhưng, GAO nhấn mạnh điều quan trọng là hải quân Mỹ lại không giao cho một cơ quan cụ thể nào phụ trách phân tích những tác động sâu rộng của hỏa hoạn đối với các hoạt động và nguồn lực chiến lược của lực lượng này. "Nếu không thực hiện những phân tích như thế, hải quân Mỹ sẽ không có được bức tranh đầy đủ về phạm vi rủi ro liên quan tới hỏa hoạn trên các tàu chiến", GAO nêu rõ.

Báo cáo của GAO đưa ra 3 đề xuất với hải quân Mỹ. Thứ nhất, thiết lập một quy trình "cho phép thu thập, phân tích và chia sẻ một cách nhất quán các bài học liên quan tới an toàn phòng cháy, chữa cháy". Thứ hai, bảo đảm có một cơ quan chịu trách nhiệm sử dụng các dữ liệu về những sự cố hỏa hoạn để phân tích tác động đối với hoạt động của hải quân Mỹ. Thứ ba, đề ra các mục tiêu, tiêu chuẩn đánh giá về phòng cháy, chữa cháy áp dụng trong toàn lực lượng.

Trả lời phỏng vấn tờ Navy Times, hải quân Mỹ thể hiện đồng tình với các đề xuất của GAO, khẳng định "an toàn của tàu và thủy thủ vẫn là một ưu tiên hàng đầu" của lực lượng này. "Chúng tôi đánh giá cao các đề xuất của GAO. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các biện pháp tập trung vào tối ưu hóa an toàn phòng cháy, chữa cháy với tàu chiến trong giai đoạn bảo dưỡng.

Những nỗ lực này bao gồm thanh tra thường xuyên và bất ngờ việc thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, trao thêm quyền cho các lực lượng trên tàu chiến để xác định và xử lý các nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy", phát ngôn viên Arlo Abrahamson của Lực lượng tàu mặt nước thuộc hải quân Mỹ nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ